Vụ tàu ngầm Nhật đánh đắm chiến hạm Mỹ gây chấn động nửa thế kỷ trước

Sau hơn 50 năm, nhờ sự giúp đỡ của chỉ huy tàu ngầm Nhật Bản, thuyền trưởng của tuần dương hạm Mỹ bị đánh đắm cuối Chiến tranh thế giới 2 mới được minh oan.

Chỉ 34 ngày trước khi Chiến tranh thế giới 2 kết thúc, tuần dương hạm USS Indianapolis của Hải quân Mỹ bị tàu ngầm I-58 của Nhật Bản đánh đắm trên vùng biển ngoài khơi Philippines, theo Washington Post.

USS Indianapolis dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng Charles McVay là con tàu tham gia vận chuyển các bộ phận của quả bom nguyên tử Little Boy được sử dụng để công phá Hiroshima. Con tàu bị đánh đắm 4 ngày sau khi tham gia nhiệm vụ vận chuyển bí mật.

Chỉ huy tàu ngầm Nhật Bản, Mochitsura Hashimoto, là người ra lệnh phóng 6 ngư lôi tấn công tuần dương hạm USS Indianapolis lúc 12h04 ngày 30/7/1945. 2 ngư lôi bắn trúng đích, khiến tàu chiến Mỹ lật úp và chìm trong vòng 12 phút.

Cơn ác mộng bắt đầu

Khoảng 300 trong tổng số 1.195 thành viên thủy thủ đoàn chìm theo con tàu. Hàng trăm thủy thủ khác thiệt mạng trong những ngày lênh đênh trên biển sau đó vì nhiều lý do như ngộ độc nước biển, chết đuối, mê sảng, hay bị cá mập tấn công.

4 ngày sau khi USS Indianapolis bị đắm, một phi công Mỹ tình cờ phát hiện những người còn sống. Nỗ lực giải cứu kéo dài trong 24 giờ, với 316 người được cứu sống. Một trong những người sống sót là Thuyền trưởng USS Indianapolis McVay.

Với Thuyền trưởng McVay, cơn ác mộng của ông chưa kết thúc trên biển. Trở về quê nhà, McVay rơi vào một cuộc chiến khác, thậm chí khốc liệt và ám ảnh hơn, đó là cuộc chiến pháp lý với Hải quân Mỹ.

Những thông tin sau này được công bố cho thấy Hải quân Mỹ phải chịu một phần trách nhiệm trong bi kịch của USS Indianapolis.

Sau khi trở về từ nhiệm vụ với bom nguyên tử Little Boy, USS Indianapolis nhận được lệnh đi từ Guam tới đảo Leyte của Philippines. Ban đầu, Thuyền trưởng McVay đã đề nghị được hộ tống khi đi qua vùng biển có tàu chiến Nhật Bản hoạt động, nhưng Hải quân Mỹ từ chối.


Thuyền trưởng Charles McVay. (Ảnh: AP).

Hải quân bị cáo buộc không phải hồi tín hiệu cấp cứu từ USS Indianapolis, khi con tàu gửi đi tọa độ cuối cùng của mình trước khi đắm. Dù Hải quân bác bỏ cáo buộc này, nhiều quân nhân khẳng định họ đã nhận được tín hiệu cấp cứu từ con tàu đắm.

Hải quân không nhận ra, hoặc không báo cáo việc USS Indianapolis không có mặt ở đảo Leyte đúng thời hạn như kế hoạch. Các thủy thủ con tàu đắm được phát hiện hoàn toàn tình cờ bởi phi công Mỹ hoạt động tại vùng biển này.

Hải quân cũng cung cấp những báo cáo tình báo không đầy đủ cho chỉ huy USS Indianapolis, trong đó có thông tin mà Hải quân thu được - thông qua một chương trình giải mã vô tuyến bí mật - về hoạt động của tàu ngầm Nhật Bản trên tuyến đường mà USS Indianapolis sẽ đi qua để đến Leyte.

Để tránh thông tin về những sai sót này lọt ra bên ngoài, làm lu mờ vinh quang chiến thắng trong chiến tranh, sau khi giải cứu các thủy thủ tàu USS Indianapolis, Hải quân Mỹ phong tỏa mọi thông tin.

Tại Washington, theo yêu cầu của Đô đốc Chester Nimitz - Tổng tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, giới chức Hải quân mở cuộc điều tra nguyên nhân USS Indianapolis bị đánh đắm, nhằm truy cứu trách nhiệm của các binh sĩ có liên quan.

Một số binh sĩ bị khiển trách bởi không nhận ra sự vắng mặt của USS Indianapolis ở Leyte. Chỉ duy nhất Thuyền trưởng McVay bị xét xử trước tòa án binh bởi trách nhiệm trong vụ đắm tàu.

"Tổ chức phiên toàn là cần thiết, xuất phát từ thực tế đây là quyền lợi sống còn của không chỉ gia đình những người thiệt mạng, mà còn vì lợi ích của công chúng", Hải quân Mỹ tuyên bố trước quyết định mở phiên tòa xét xử Thuyền trưởng McVay.

"Nói cách khác, Hải quân cần ai đó để đổ lỗi cho một trong những trang đen tối nhất lịch sử hải quân", Doug Stanton, nhà báo của New York Times, chỉ trích phiên tòa.

Bản án chưa từng có tiền lệ

Ban đầu, các công tố viên Hải quân tìm cách cáo buộc Thuyền trưởng McVay với hai tội danh là "không ra lệnh bỏ tàu trong thời gian cho phép" và "gây nguy hiểm cho tàu".

Tuy nhiên, các công tố viên nhanh chóng nhận ra họ không có đủ cơ sở để chứng minh cáo buộc đầu tiên - "không ra lệnh bỏ tàu trong thời gian cho phép" - bởi thực tế USS Indianapolis chìm trong thời gian quá ngắn, chỉ 12 phút sau khi bị tấn công.

Bởi vậy, mọi nỗ lực nhắm vào cáo buộc thứ hai - "gây nguy hiểm cho tàu". Các công tố viên cáo buộc Thuyền trưởng McVay đã không cho con tàu di chuyển theo đường zig zag để né ngư lôi.

Trước phiên tòa, McVay thừa nhận USS Indianapolis đã không di chuyển zig zig khi bị tấn công bởi thời tiết không cho phép. Hải quân cáo buộc quyết định không cho tàu di chuyển né ngư lôi đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, khiến USS Indianapolis bị đánh đắm.

Trong danh sách các nhân chứng được triệu tập lấy lời khai chống lại Thuyền trưởng McVay có Mochitsura Hashimoto, chỉ huy tàu ngầm Nhật Bản đã đánh đắm tuần dương hạm USS Indianapolis. Đây là quyết định gây chấn động cả báo giới cũng như chính giới tại Mỹ.

"Công tố viên quân đội Mỹ triệu tập Hashimoto làm chứng chống lại McVay gây ra phẫn nộ tương tự nếu người ta yêu cầu những không tặc vụ 11/9 ra làm chứng chống lại quan chức lực lượng cứu hỏa New York bởi hai tòa tháp đôi bị đánh sập", Lynn Vincent, nhà báo của New York Times, nhận xét.

Thuyền trưởng người Nhật Bản chấp nhận ra làm chứng, nhưng lời khai của ông Hashimoto nằm ngoài mọi tính toán của công tố viên Hải quân Mỹ.


Thuyền trưởng Mochitsura Hashimoto cung cấp lời khai trước tòa án binh. (Ảnh: AP).

Trước tòa, Thuyền trưởng Hashimoto xác nhận USS Indianapolis không di chuyển zig zag khi bị tấn công. Nhưng chỉ huy người Nhật khẳng định việc di chuyển zig zag cũng không thay đổi kết quả vụ tấn công, bởi ngư lôi của tàu ngầm I-58 bảo đảm sẽ đánh đắm tuần dương hạm hoàn toàn không được bảo vệ của Mỹ.

Bất chấp lời khai của Thuyền trưởng Hashimoto, tòa án binh Hải quân vẫn kết tội Thuyền trưởng McVay gây nguy hiểm cho tàu bởi không ra lệnh di chuyển zig zag để né ngư lôi.

"Bản án đồng nghĩa trong gần 400 chỉ huy tàu chiến Mỹ bị đánh đắm trong chiến tranh, ông McVay là người duy nhất bị tòa án binh kết án", nhà báo Stanton cho biết.

Thực tế, Thuyền trưởng McVay là sĩ quan chỉ huy duy nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ bị tòa án binh kết án bởi tàu chiến bị đắm vì một cuộc tấn công.

Với bản án này, Thuyền trưởng McVay bị tước bỏ chức vụ, sự nghiệp trong quân đội cũng chấm dứt.

Sau đó, Bộ trưởng Hải quân James Forrestal quyết định đảo ngược hình phạt, khôi phục quân hàm của ông McVay bởi những công lao trong suốt cuộc đời binh nghiệp. Năm 1949, khi McVay nghỉ hưu, ông vẫn được thăng hàm chuẩn đô đốc. Dù vậy, bản án của tòa án binh vẫn được giữ nguyên.

Bản án trong vụ đắm tàu đeo bám Thuyền trưởng McVay trong phần đời còn lại của ông. McVay nhận được không ít thư từ thân nhân các thủy thủ thiệt mạng trong vụ đắm tàu USS Indianapolis, đa phần với nội dung thù ghét.

"Ông ấy đọc mọi lá thư mình nhận được và tự mình đối mặt", nhà báo Stanton cho biết.

Ngày 6/11/1968, Thuyền trưởng McVay tự vẫn.

Được minh oan

Cái chết của Thuyền trưởng McVay đã làm thức tỉnh những thủy thủ tàu USS Indianapolis còn sống. Họ chưa từng tin rằng thuyền trưởng của mình phải chịu trách nhiệm trong vụ đắm tàu. Cách ông McVay bị biến thành "con dê tế thần" cũng khiến họ bất mãn.

Trong suốt hơn 50 năm, những thủy thủ tàu USS Indianapolis đã tìm nhiều cách để buộc Hải quân xóa án và minh oan cho Thuyền trưởng McVay nhưng không thành công. Cuối cùng, họ gửi yêu cầu xóa án trực tiếp tới Quốc hội Mỹ.

Các thủy thủ sống sót thu thập được nhiều chữ ký của các nghị sĩ lưỡng viện. Cuối cùng, đến năm 2000, Thượng nghị sĩ Robert Smith đồng ý ủng hộ kiến nghị và bảo trợ cho một nghị quyết về việc ân xá cho Thuyền trưởng McVay.

Tuy nhiên, quyền định đoạt lại nằm trong tay của Thượng nghị sĩ John Warner, khi đó là Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, người trước đây từng là Bộ trưởng Hải quân. Thượng nghị sĩ Warner có quyền quyết định có cho phép đưa nghị quyết xóa án ra bỏ phiếu ở Thượng viện hay không.


Thủy thủ tàu USS Indianapolis được cứu sống. (Ảnh: Hải quân Mỹ).

Trong nhiều tháng, Thượng nghị sĩ Warner phản đối nghị quyết xóa án và "hoàn toàn không thể thuyết phục", cho đến khi ông này nhận được lá thư từ một người không thể ngờ tới, đó là Thuyền trưởng tàu ngầm Nhật Bản Mochitsura Hashimoto.

54 năm sau khi từng đưa ra lời làm chứng có lợi cho ông McVay, chỉ huy tàu ngầm Nhật Bản lại một lần nữa lên tiếng bảo vệ "kẻ thù xưa". Ông Hashimoto cho biết muốn "cùng những người đàn ông dũng cảm đã sống sót trong vụ đánh đắm tàu Indianapolis" thuyết phục Quốc hội Mỹ minh oan cho ông McVay.

"Dân tộc chúng ta đã tha thứ cho nhau vì cuộc chiến tranh khủng khiếp và những hậu quả để lại. Có lẽ đây là lúc người dân của các ông buông tha cho Thuyền trưởng McVay vì nỗi nhục nhã từ một cáo buộc không công bằng", ông Hashimoto viết trong lá thư gửi tới Thượng nghị sĩ Warner.

Cuối cùng, Thượng nghị sĩ Warner chấp nhận đưa nghị quyết minh oan cho Thuyền trưởng McVay ra bỏ phiếu ở Thượng viện. Nghị quyết được thông qua ngày 12/10/2000. Thuyền trưởng Hashimoto qua đời chỉ 13 ngày sau đó.

Trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày USS Indianapolis bị đánh đắm, con gái và cháu gái của Thuyền trưởng Hashimoto cũng tham dự. Cháu gái Atsuko và hai con của bà thậm chí được mời đứng cùng con, cháu của các thủy thủ tàu USS Indianapolis để hát bài ca tưởng niệm.

"Đó là khoảnh khắc thể hiện sự hàn gắn giữa hai dân tộc, những người từng gọi nhau là kẻ thù, họ đến với nhau bởi có chung mong muốn minh oan cho một người đàn ông vô tội", Washington Post bình luận.

Cập nhật: 09/06/2021 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video