Các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng về một vụ thảm sát cách đây hàng nghìn năm với hài cốt nạn nhân vẫn ở nguyên nơi họ ngã xuống.
Hài cốt những nạn nhân bị tấn công trong vụ thảm sát. (Ảnh: Teresa Fernández-Crespo).
Được phát hiện vào năm 1935 và khai quật lần đầu tiên năm 1973, thị trấn cổ đại La Hoya ở xứ Basque thuộc miền bắc Tây Ban Nha bị phá hủy trong một vụ tấn công vào khoảng năm 350 - 200 trước Công nguyên. Từ sau đó, thị trấn không có dân cư sinh sống và những người chết trong vụ tấn công vẫn ở nguyên tại chỗ cho tới khi các nhà khảo cổ khai quật. Nhằm tìm hiểu nhiều hơn về vụ tấn công, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Oxford, Anh cùng đồng nghiệp ở Tây Ban Nha xem xét 13 bộ hài cốt thu thập từ khu vực và lần đầu tiên phân tích chi tiết.
Những người chết bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em. "Một người đàn ông chịu nhiều vết thương ở mặt trước, chứng tỏ anh ta đứng đối diện với kẻ tấn công", Teresa Fernández-Crespo, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. "Người này bị chặt đầu nhưng không tìm thấy hộp sọ. Có thể hộp sọ của anh ta bị kẻ thù mang đi như một chiến tích". Một người đàn ông khác bị đâm từ phía sau, theo nghiên cứu công bố hôm 1/10 trên tạp chí Antiquity.
Thị trấn La Hoya bỏ hoang sau vụ thảm sát. (Ảnh: Teresa Fernández-Crespo).
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu không tìm ra bằng chứng cho thấy cư dân quay trở lại thị trấn để chôn cất người chết hoặc lấy vật tùy thân. Phân tích một số hài cốt hé lộ người chết bị bỏ lại trong những ngôi nhà bốc cháy hoặc ở nơi họ ngã xuống trên đường phố. "Từ đó, chúng tôi có thể kết luận mục đích của những kẻ tấn công là phá hủy hoàn toàn La Hoya", nhóm nghiên cứu kết luận. Cuộc tấn công có thể bắt nguồn từ vị trí chiến lược của La Hoya ở giữa vùng Cantabrian ven biển Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và vùng bình nguyên của Tây Ban Nha.
Các chuyên gia cho rằng khu định cư là trung tâm của hoạt động xã hội, thương mại và chính trị. La Hoya là địa điểm duy nhất thời Đồ Sắt bị phá hủy bởi cộng đồng địa phương. Phát hiện cho thấy chiến tranh quy mô lớn có thể từng xảy ra ở Tây Ban Nha vào thời Đồ Sắt.