''Vùng đất chết'' Chernobyl nuôi hy vọng hồi sinh sau thảm họa hạt nhân kinh hoàng 35 năm trước

Khu vực cách ly Chernobyl (CEZ) tại Ukraine là bài học không bao giờ cũ dành cho toàn thế giới. Sau 35 năm vụ nổ lò phản ứng hạt nhân Chernobyl, không chỉ có thiên nhiên đang hồi sinh mạnh mẽ, mà con người cũng cho thấy hy vọng tái thiết “thị trấn ma”.

Ngày 26-4, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã gửi đi bức thông điệp nhân kỷ niệm 35 năm Ngày xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl tồi tệ nhất của nhân loại (26/4/1986 - 26/4/2021). Ông nhấn mạnh, hàng trăm nghìn người đã bị ảnh hưởng bởi phóng xạ và khoảng 350.000 người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ tại những khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng.


Thị trấn Pripyat nằm cách nhà máy nơi xảy ra thảm họa chỉ vài km trở nên hoang tàn. (Ảnh: Getty Images).

Tổng Thư ký Antonio Guterres nêu: “Đây là dịp để chúng ta nhìn lại quá khứ, rút ra bài học và hướng về tương lai. Kể từ năm 1986, những nỗ lực chung của LHQ và thế giới đã giúp những khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thảm họa dần phục hồi”.

Thông điệp đề cao sự đoàn kết vì lợi ích chung: “Thảm họa không có biên giới. Nhưng cùng nhau, chúng ta có thể ngăn chặn và xây dựng sự phục hồi mạnh mẽ từ đống đổ nát, tương tự như việc ứng phó với dịch Covid-19”.

Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày thảm họa hạt nhân này, Thứ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên Ukraine cho biết: “Chúng tôi mong muốn CEZ là khu vực hồi sinh để phát triển, bao gồm việc khuyến khích du lịch. Chernobyl là một địa điểm độc nhất vô nhị, là nhân chứng lịch sử cho những sai lầm trong quá khứ, là nơi thiên nhiên đã được tái sinh sau thảm họa kinh hoàng do con người gây ra. Giờ là lúc cả thế giới, từ các nhà khoa học, nhà sinh thái học, nhà sử học cho đến khách du lịch thấy được sự độc đáo của nơi này”.

Đầu năm 2019, sau khi sử dụng các camera giấu kín trong khu vực CEZ, các nhà khoa học đã ghi lại được hoạt động của 15 loài động vật có vú và chim tại đây chỉ trong vòng một tháng. Các động vật hoang dã như gấu, bò rừng, chó sói, linh miêu, ngựa hoang và hàng chục loài chim đã sinh sôi tại “vùng đất chết” trước sự ngạc nhiên của toàn thế giới.


Nhiều loài động vật hoang dã được tìm thấy tại những khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa Chernobyl. (Ảnh: Dailymail)

Chính quyền Ukraine đang tìm cách đưa khu vực CEZ vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO. Bộ Văn hóa Ukraine đã bắt đầu thực hiện các bước cần thiết để khu vực này được công nhận là một di tích, nhằm thu hút tài trợ và khách du lịch.

Khu vực CEZ đã ghi nhận lượng khách du lịch tăng gấp 2 lần kể từ khi bộ phim về Chernobyl chiếu trên HBO năm 2019. Các quan chức Ukraine hy vọng, khu “tử địa” CEZ sẽ tiếp tục trở thành một trong những địa điểm thu hút khách du lịch của Ukraine sau khi dịch Covid-19 qua đi.

Vụ nổ lò phản ứng số 4 tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, cách thủ đô Kiev khoảng 110km, vào ngày 26-4-1986 được coi là thảm họa nghiêm trọng nhất trong lịch sử năng lượng hạt nhân, với lượng phóng xạ phát ra lớn gấp 400 lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima. Giới chức Ukraine từng cảnh báo, khu vực này có thể không phù hợp cho loài người trong 24.000 năm tiếp theo, khiến nơi đây được mệnh danh là "vùng đất chết". Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã ngừng hoạt động, nhưng phải tới năm 2064, toàn bộ 4 lò phản ứng hạt nhân mới được dỡ bỏ hoàn toàn.

Cập nhật: 26/04/2021 Theo hanoimoi
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video