Vì sao người châu Á lại ăn bằng đũa?

  •  
  • 3.740

Loại dụng cụ này phổ biến trên bàn ăn của người Trung Quốc vào khoảng năm 400 Công nguyên, nhưng nó đã hiện diện tại quốc gia này từ khá lâu trước đó - khoảng năm 1.200 Trước Công nguyên.

Sau hơn 3.000 năm, độ phổ biến của đũa ngày càng tăng cao. Hiện có hơn 20% dân số thế giới sử dụng đũa để ăn. Chỉ tính riêng Trung Quốc đã tiêu thụ đến 45 tỷ đôi đũa dùng một lần mỗi năm. Rốt cuộc thì, hai thanh gỗ mỏng manh kia đã làm cách nào mà phát động được một cuộc cách mạng to lớn đến vậy trong cách ăn uống của con người?

Đũa ban đầu là dụng cụ nấu

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên sử dụng đũa gần 3.000 năm trước. Nhưng vào thời điểm đó, chúng không được dùng như dụng cụ ăn uống. Người Trung Quốc cổ đại sử dụng đũa để nấu bởi chúng có thể được nhúng sâu vào nồi nước đang sôi sùng sục mà chẳng gặp vấn đề gì.

Đũa có nhiều điểm khác biệt trong các nền văn hoá châu Á.
Đũa có nhiều điểm khác biệt trong các nền văn hoá châu Á.

Sau đó, dân số Trung Quốc bắt đầu bùng nổ. Các đầu bếp buộc phải tìm cách dự trữ tài nguyên, có nghĩa là họ phải chặt thức ăn ra thành nhiều mẩu nhỏ, cần ít nguyên liệu hơn để nấu chín. Những món ăn kích cỡ vừa miệng, kết hợp với tư tưởng hạn chế sử dụng dao của Khổng Tử và các nhà hiền triết Trung Quốc, đã tạo điều kiện khiến đũa được sử dụng rộng rãi trên toàn Trung Quốc (Khổng Tử xem dao là biểu tượng của lò mổ).

Không phải đũa nào cũng như nhau

Đũa có nhiều điểm khác biệt trong các nền văn hoá châu Á. Ví dụ, đũa Trung Quốc thường dài và dày để thuận tiện trong việc gắp thức ăn trên bàn - theo Ruixi Hu, nhà sáng lập Lost Plate Food Tours. Hu lớn lên ở Thành Đô, Trung Quốc, nơi cô lần đầu sử dụng đũa lúc 2 tuổi. Hiện cô đang triển khai các tour thức ăn trên toàn châu Á và đã chứng kiến nhiều biến thể đũa khác nhau.

Tại Nhật Bản, nơi đũa tre được sử dụng từ năm 500 Công nguyên cho các nghi lễ tôn giáo, đũa đã tiến hoá đáng kể theo thời gian. Hiện nay, đũa được hoàn thiện đặc biệt cho một trong những món chính của Nhật Bản: cá.

"Đũa Nhật Bản ngắn và sắc, chủ yếu bởi người Nhật giỏi ăn cá, và đũa sắc giúp loại bỏ xương cá dễ dàng" - Hu nói. Người Nhật thường ăn thành từng phần riêng thay vì gắp từ một đĩa chung, đó là lý do tại sao đũa của họ không cần phải quá dài.

Dù phổ biến, đũa gỗ dùng một lần được phát minh lần đầu bởi người Nhật Bản vào năm 1878. Tầng lớp thượng lưu Trung Quốc và Nhật Bản từng sử dụng đũa làm từ ngà voi, ngọc bích, san hô, và bạc. Họ tin rằng đũa bạc sẽ "bị ăn mòn và hoá đen nếu tiếp xúc với thức ăn nhiễm độc". Ngày nay, người Trung Quốc sử dụng tre làm đũa bởi loại vật liệu này dễ tìm thấy và cũng rẻ nữa.

Ở Hàn Quốc, đũa trông hơi khác một chút. Đũa Hàn Quốc phẳng và thường làm từ kim loại. Đó là bởi người Hàn Quốc thích món nướng. Đũa kim loại sẽ không cháy khi dùng để chuẩn bị món thịt nướng. Và mặc cho các nhà hàng Mỹ cực kỳ phổ biến tại Thái Lan, người dân ở đây không dùng đũa (trên thực tế, người Thái Lan trước đây ăn bốc bằng tay và khi cần thiết sẽ dùng thêm nĩa hoặc muỗng).


Đũa Nhật thường ngắn và sắc để dễ dàng gắp sushi và cá

Cách cầm nắm đũa rất quan trọng

Hu nói rằng cách cầm nắm đũa chủ yếu thiên về sở thích cá nhân hơn là chịu ảnh hưởng bởi khu vực địa lý, nhưng có một số khu vực nhất định vẫn lưu giữ tín ngưỡng về ý nghĩa cách cầm đũa. "Ở quê tôi, người ta nói rằng nếu bạn cầm đũa sát phần đầu (gần với thức ăn), bạn sẽ cưới ai đó gần nhà" - cô nói. "Nếu bạn cầm đũa sát phần đuôi, xa thức ăn, bạn sẽ cưới ai đó ở xa"

Một tín ngưỡng khác là "bạn càng cầm hai cây đũa cách xa nhau, bạn sẽ càng đi xa nhà" - theo website China Highlights. Đó là lý do tại sao người dân vùng núi Trung Quốc thường cầm đũa song song nhau, hoặc theo hình chữ X, trong khi người nước ngoài hay người dân ở vùng thành thị Trung Quốc cầm đũa theo hình chữ V.

Dù cách cầm đũa có thể mang tính chủ quan, phép xã giao khi sử dụng đũa là điều bạn không nên làm ngơ. Theo trang Everything Chopsticks, có một số quy tắc bạn cần tuân thủ:

  • Không gắp thức ăn từ đĩa lớn rồi cho trực tiếp vào miệng, hãy gắp ra đĩa nhỏ của bạn rồi ăn
  • Không dùng đũa để xiên thức ăn khi không thể gắp
  • Chỉ dùng đũa chung để gắp thức ăn từ đĩa lớn
  • Không dùng đũa đảo thức ăn trong đĩa lớn
  • Không đặt đũa trực tiếp lên mặt bàn, hãy đặt chúng trên đĩa của bạn hoặc lên một miếng khăn giấy
  • Không hướng đầu đũa vào mặt những người cùng bàn - kể cả khi đũa đang được đặt trên bát của bạn.

Nói về việc đặt đũa, Hu có một số lời khuyên: "Bạn đừng bao giờ cắm đũa vào thức ăn rồi để nó ở đấy; bạn lúc nào cũng nên đặt đũa nằm trên miệng bát hoặc đĩa, song song với mặt bàn. Đó là bởi cắm đũa vào thức ăn cũng giống như cắm hương vào bát, vốn là hành động người châu Á thường làm khi cúng bái người đã khuất. Do đó nếu bạn làm điều đó, bạn đang gọi cô hồn đấy".

Đừng bao giờ cắm đũa lên bát cơm như thế này nhé.
Đừng bao giờ cắm đũa lên bát cơm như thế này nhé.

Tại sao phải dùng đũa và cách dùng đũa chính xác nhất

Với những người không quen dùng đũa, loại dụng cụ này có thể rất khó xử lý, dễ bị rơi hoặc làm vương vãi thức ăn. Nhưng đũa mang lại lợi ích đáng ngạc nhiên. Theo Tiến sỹ David Samadi, đũa thực ra có thể giúp người sử dụng duy trì cân nặng hợp lý, bởi chúng buộc họ phải ăn từ tốn, qua đó kiểm soát khẩu phần và giảm nguy cơ ợ nóng.

Vậy cách tốt nhất để cầm đũa là gì? "Lấy một cây đũa và cầm nó như một cây bút chì" - Hu nói. "Lúc này bạn sẽ tạo ra một lỗ, bởi ngón cái và ngón trỏ sẽ chạm nhau, và bạn đưa cây đũa còn lại qua lỗ đó. Bạn chỉ cần di chuyển cây đũa mà bạn đang cầm như cây bút chì thôi, cây đũa còn lại sẽ đứng yên". Nói thì nghe khá dễ dàng đúng không nào?

Cập nhật: 23/04/2021 Theo VnReview
  • 3.740