Vượn cáo Perodicticus Potto

Hiếm khi người ta nhìn thấy vượn cáo Perodicticus potto bởi ban ngày chúng trốn ngủ trong những cành cây um tùm, cuộn người lại, đầu ở giữa các chân.

Thân hình vượn cáo dài khoảng 38cm, đuôi dài khoảng 6cm, và cân nặng khoảng 1,5kg. Chúng chỉ thức dậy khi đêm xuống. Trong đêm tối mịt mù của rừng già, vượn cáo di chuyển chậm chạp. Hết sức cẩn thận, chúng di chuyển theo kiểu lần lượt từ từ dời từng bước chân một, gần giống như kiểu diễn viên xiếc đang đi trên dây.

Có một điều thật lạ là loại động vật này chẳng bao giờ rời thân cây, không bao giờ chúng đặt chân xuống mặt đất. Chúng thường ở trên cây có độ cao từ 5-30m. Bình thường, chúng bám rất chặt vào cành cây rất khó dứt rời ra được.

Bàn chân và bàn tay của vượn cáo có thể cầm nắm như bàn tay người, chúng thích nghi tuyệt vời với việc đeo bám cành cây. Do có những khu vực lưu trữ máu trong bàn tay và bàn chân nên vượn cáo có thể bám chắc vào cành cây trong một khoảng thời gian dài mà không bị mỏi. Ngón thứ hai trên bàn thay có móng vuốt, dùng để chải lông. Tất cả các ngón khác đều phẳng như ngón tay người.

Sau cổ của vượn cáo có 4 gai sừng, đó là những cái xương từ cột sống nhô lên, phủ lên trên đó là những khối u không lông.

Thức ăn chủ yếu của vượn cáo là trái cây và nhiều món thực vật khác. Tuy nhiên, chúng cũng ăn cả côn trùng và ốc; ở một số nơi, vượn cáo còn biết bắt ăn cả sâu bướm và lông ngứa, bọ cánh cứng có mùi hôi, và những động vật nhiều chân có độc. Vượn cáo nghĩ ra cách ăn thật khôn ngoan: chúng thường chà xát sâu ngứa để làm bật ra nhật nhiều lông ngứa trước khi bỏ vào miệng ăn. Chúng cũng ăn cả kiến độc. Ngoài ra, vượn cáo cũng có thể giết và ăn cả chim hay dơi còn non.

Trong bóng tối, vượn cáo vẫn tìm được thức ăn - không phải mắt chúng tinh mà chúng tìm mồi nhờ vào mùi vị, dù là di chuyển chậm chạp nhưng khi đã đến gần con mồi, chúng vẫn có thể chộp nhanh con mồi bằng tay và miệng.

Vượn cáo khá dữ, tự vệ bằng cách cắn rất mạnh, kẻ thù chính của vượn cáo là những con chim cú lớn.

Vượn cáo thường sống một mình, trừ khoảng thời gian ngắn trong mùa sinh sản, các nhà khoa học còn biết rất ít về chuyện sinh sản của loại sinh vật lạ này.  Tuy nhiên, cũng có một số thông tin về chuyện sinh sản của chúng: Tiếng con đực gọi con cái nghe cứ như tiếng kêu la của trẻ con; trong thời gian giao phối, con đực và con cái ở bên nhau suốt đêm và ban ngày chúng cùng thức với nhau, nhưng chúng không bao giờ ngủ chung với nhau.

Bộ xương vượn cáo

Mỗi năm con cái chỉ đẻ 1 con, chúng mang thai từ 6 - 6,5 tháng. Con non bám bụng dưới con mẹ đến khi được 3 tuần tuổi. Khi con non lớn hơn chút nữa, trong lúc vượn cáo mẹ kiếm ăn vào ban đêm, vượn cáo mẹ để con non treo mình trong một cành cây ở một nơi an toàn, rồi đến đó mang con về tổ khi kiếm ăn xong, cả 2 mẹ con cùng nhau ngủ suốt ngày. Thỉnh thoảng con non gần tuổi cai sữa cũng leo lên lưng con mẹ theo đi kiếm ăn

Con non cai sữa lúc 4-5 tháng tuổi (từ tháng Giêng đến tháng 3) là lúc có nhiều trái cây trong rừng. Con đực non rời khu vực của mẹ khi chúng được 6 tháng tuổi. Con cái non tự lập lúc được 8 tháng tuổi, nhưng vẫn còn ở trong khu vực của mẹ một thời gian dài nữa.

Trong rừng, vượn cáo sống với mật độ khoảng 8-10 con trên mỗi km2. Mỗi con trưởng thành chiếm một khu vực vừa đủ rộng (khoảng 6-9 ha), đủ cho chúng và các con chúng kiếm ăn. Trong khi đó, mỗi con đực trưởng thành thường chiếm hữu một khu vực rộng từ 9-40 ha, có thể bao trùm lên khu vực của một hay nhiều con cái Tuy nhiên, khu vực của con đực trưởng thành không bao giờ lấn lên khu vực của những con đực khác. Vượn cáo giao tiếp với nhau bằng tiếng kêu và bằng cách để lại những vệt nước tiểu trên các cành cây.

Loại động vật chậm chạp này cũng có ích, giúp phân tán hạt trong trái cây mà chúng ăn. Vượn cáo thường bị con người săn bắt để lấy thịt.

Vượn cáo thọ khoảng 22 năm tuổi. Chúng sống trong những khu rừng mưa ven bờ biển Tây Phi và Trung Phi.

H.T (Theo thế giới sinh vật)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video