Các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện một loài linh trưởng sử dụng hợp chất pheromone để tạo ra mùi thơm cho mục đích sinh sản.
Vượn cáo đuôi vòng đực tiết mùi như trái cây để thu hút con cái. (Ảnh: Trung tâm Khỉ Nhật Bản).
Con người không phải loài duy nhất thích mùi thơm trong các buổi hẹn hò. Một nghiên cứu mới, do các nhà sinh vật học từ Đại học Tokyo, Nhật Bản tiến hành, cho biết vượn cáo đuôi vòng cái (Lemur catta) cũng bị thu hút bởi mùi hương giống như trái cây do con đực tiết ra.
Vào mùa sinh sản, vượn cáo đực chà xát các tuyến trên cổ tay vào đuôi để tạo ra mùi hương, sau đó vẫy chúng về phía con cái trong một hành vi được gọi là "tán tỉnh hóa học", Giáo sư Kazushige Touhara từ Đại học Tokyo giải thích.
Các tuyến tiết mùi có thể quan sát rõ trên cổ tay vượn cáo. (Ảnh: Trung tâm Khỉ Nhật Bản).
Bằng các phân tích chi tiết, nhóm nghiên cứu đã xác định được ba hợp chất pheromone - hormone xã hội có vai trò một hệ thống thông tin hóa học - chịu trách nhiệm cho mùi thơm giống như trái cây, bao gồm aldehyd-dodecanal, 12-methyltridecanal và tetradecanal. Đây là lần đầu tiên 12-methyltridecanal được tìm thấy trên một loài linh trưởng.
Touhara cho biết thêm, con cái chỉ bị thu hút bởi sự kết hợp của cả ba hợp chất cùng lúc. Hơn nữa, chỉ vào mùa sinh sản, chúng mới "để tâm" để mùi trái cây mà con đực tiết ra. Những con đực mới trưởng thành về mặt sinh dục có khả năng tiết nhiều pheromone hơn, nguyên nhân có thể là do vượn cáo bị suy giảm chức năng sản sinh testosterone khi về già.
"Phát hiện này cho thấy ba hợp chất thực sự là pheromone, nhưng vẫn cần thêm các nghiên cứu chi tiết để xác định xem chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công của hành vi giao phối ở vượn cáo đuôi vòng hay không", Touhara cho biết trong báo cáo trên tạp chí Current Biology hôm 16/4.