Trong nhiều năm, giới khoa học chưa khi nào biết chắc được nguồn nước đang hiện diện trên hành tinh của chúng ta bắt nguồn từ đâu: do hành tinh tự hình thành, hay do thiên thạch mang tới. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Hawaii (Mỹ) tin rằng họ đã tìm được câu trả lời.
Đã tìm được nguồn gốc nước trên Trái đất
Bằng việc phân tích các lớp đá cổ tại đảo Baffin (Canada), các nhà nghiên cứu đã tìm ra những bằng chứng xác thực cho thấy nước là thứ luôn hiện hữu trên Trái đất của chúng ta. Cụ thể, các khoa học gia đã tìm thấy tinh thể chứa những giọt nước rất nhỏ bên trong lớp đá tại đây.
Phân tích lớp đá cổ tại đảo Baffin (Canada).
Những lớp đá này tới từ vỏ Trái đất - tức là không chịu tác động từ yếu tố bên ngoài hành tinh. Và nước được tìm thấy trong đó có thành phần giống như nguồn nước chúng ta vẫn thấy ngày nay.
Nước được tạo thành từ các phân tử oxy và hydro, trong đó hydro có tới 3 dạng thù hình: Hydro, deuterium và tritium. Nước được tạo bởi oxy và deuterium được gọi là nước nặng. Các chuyên gia cho biết, sao chổi hay thiên thạch nếu có chứa nước thì chủ yếu sẽ là nước nặng.
Các nhà nghiên cứu cũng không bác bỏ khả năng nước đến từ thiên thạch, nhưng họ tin rằng nguồn nước này không thể giải thích vì sao hành tinh của chúng ta có các đại dương khổng lồ.
Các sao chổi hay thiên thạch có thể bổ sung nước cho Trái đất, nhưng không đáng kể.
Theo tiến sĩ Lydia Hallis, chủ nhiệm nghiên cứu: "Có thể các thiên thạch đã mang thêm nước đến cho Trái đất, nhưng các số liệu của chúng tôi cho thấy Trái đất đã có nước ngay từ buổi sơ khai, và việc nguồn nước đến từ thiên thạch không mang nhiều ý nghĩa".
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science.