Xăm hình không chỉ để ngầu, "thathu" bây giờ còn có thể chữa bệnh

Những hình xăm tattoo trong quá khứ từng phải nhận về rất nhiều định kiến. Nó từng là một trong những dấu hiệu để nhận diện tội phạm, những kẻ sống ngoài vòng pháp luật. Đến một thời, hình xăm trở thành mốt thời thượng trong cộng đồng nhạc rock và hiphop. Tattoo khi đó là tuyên ngôn của giới trẻ đối với lối sống cá tính và mạnh mẽ.

Nhưng trong khoảng 5 năm trở lại đây, tattoo đã được phổ cập đến mọi tầng lớp và lứa tuổi trong xã hội. Khi mọi người để lộ nhiều da thịt hơn, họ cũng thích trang điểm cơ thể mình với những hình vẽ nghệ thuật hơn.

Thậm chí cả trẻ em cũng thích hình xăm, và được cha mẹ cho sử dụng những miếng dán tattoo tạm thời.


Những năm trở lại đây, tattoo đã được phổ cập đến mọi tầng lớp và lứa tuổi trong xã hội.

Mọi chuyện thực sự chưa dừng lại ở đó. Các bác sĩ và kỹ sư sinh hóa bây giờ còn đang muốn đưa tattoo lên một tầm cao mới, trong một lĩnh vực mà họ gọi là "medical tattoo" hay tattoo y tế.

Nhiều nhà nghiên cứu đã tự hỏi: Liệu xăm có thể giúp chúng ta chữa bệnh được hay không?

Thay thế kim tiêm bằng kim xăm tattoo

Đó là ý tưởng của Idera Lawal, một kỹ sư sinh hóa, người chuyên nghiên cứu lĩnh vực động lực học chất lỏng và các phương pháp tiêm dưới da không sử dụng kim tại Đại học Texas Hoa Kỳ.

Lawal cho biết khi bạn xăm mình, những chiếc kim xăm sẽ đâm vào da bạn với với tốc độ 200 lần mỗi giây. Và trái với suy nghĩ của nhiều người cho rằng kim xăm tiêm mực vào da giống như kim tim vắc-xin, cơ chế hoạt động của hai loại kim này là hoàn toàn khác nhau.

Thứ nhất, kim tiêm y tế rỗng, còn kim xăm thì không. Cơ chế hoạt động của kim tiêm y tế dựa trên áp lực dương. Các bác sĩ hoặc y tá sẽ đẩy mũi kim rỗng xuyên qua da bạn, sau đó, nhấn vào pit-tông của ống tiêm và đẩy thuốc lỏng chảy vào cơ thể bạn bằng lực. Toàn bộ quá trình đó, mũi kim hoàn toàn đứng yên.

Các kim xăm thì khác, chúng đặc hoàn toàn và chỉ được nhúng mực ở bên ngoài. Kim xăm đâm vào da bạn liên tục. Mỗi khi được nhấn xuống da và rút lên, nó sẽ để lại một lỗ rỗng sâu khoảng 2 mm. Mực sau đó tự chảy vào lỗ rỗng này mà không cần áp lực dương.


Cách kim xăm đưa mực vào da (Idera Lawal, Texas Tech University)

Lawal đã quay lại một video slowmotion chứng minh hiệu ứng, chính chân không trong lỗ mở của kim xăm đã hút mực xuống đó chứ không cần áp lực. Và anh cho biết hiệu ứng này hoàn toàn có thể được dùng để phân phối thuốc và vắc-xin hiệu quả hơn kim tiêm y tế, trong một số trường hợp.

"Trong một thập kỷ qua, một số nghiên cứu đã chỉ ra triển vọng của việc sử dụng kim xăm như một kỹ thuật phân phối thuốc trong da. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn thiếu hiểu biết về động lực học chất lỏng liên quan đến quá trình cung cấp chất lỏng vào da", Lawal viết trong báo cáo mới tại hội thảo của Hiệp hội Vật lý Hoa Kỳ.

"Dựa trên những quan sát của mình, chúng tôi đưa ra giả thuyết về cơ chế phân phối dựa trên sự xâm nhập của mao mạch".

Lưu trữ thuốc hoặc vắc-xin trong da, để chúng tự thấm vào mao mạch là một chiến lược phân phối chậm và tinh tế. Lawal cho biết trong một số trường hợp, kim tiêm y tế thông thường sẽ không hiệu quả.

Ví dụ với vắc-xin DNA, chúng thường có kích thước quá lớn và có thể gặp khó khăn khi đi qua kim tiêm tiêu chuẩn. Lawal nghĩ thay vì tiêm, hãy xăm loại vắc-xin này vào cơ thể sẽ tốt hơn.


Bạn có thể xăm mực vào da, tại sao với thuốc và vắc-xin lại không?

Và những trường hợp chỉ có thể tattoo

Một ví dụ điển hình có thể kể đến là bệnh Leishmania. Đây là một bệnh nhiễm ký sinh trùng từ muỗi, với biểu hiện là các vết loét da không lành. Trên thế giới có khoảng 12 triệu bệnh nhân Leishmania, nhưng các biện pháp điều trị bệnh này chưa tỏ ra có hiệu quả.

Mặc dù các nhà nghiên cứu đã tìm ra được một loại thuốc ức chế và tiêu diệt ký sinh trùng Leishmania, nhưng việc phân phối nó vẫn là một bài toán bế tắc. Nếu chỉ bôi trên da, loại thuốc này sẽ không thể hấp thụ được hiệu quả trong nhiều trường hợp.

Nếu tiêm trực tiếp vào tổn thương, nó sẽ gây đau đớn và bệnh nhân phải tiêm nhắc lại nhiều lần. Ngoài ra, thuốc chống Leishmania dạng tiêm không thể được áp dụng trong trường hợp tổn thương loét vào hạch bạch huyết hoặc các tổn thương quanh sụn.

Trong bối cảnh đó, Marina Temi Shio, một nhà nghiên cứu tại Khoa Y Vi sinh và Miễn dịch học Trung tâm Y tế Đại học McGill đã đề xuất thuốc chống Leishmania nên được xăm lên tổn thương, giống như xăm tattoo.

"Xăm tattoo là một thủ thuật can thiệp mạnh, dễ sử dụng, hoàn toàn vệ sinh và đã được ngành thẩm mỹ phát triển và cải tiến qua nhiều thập kỷ", Shio và nhóm nghiên cứu viết trên tạp chí Scientific Reports.


Được đưa trực tiếp bằng kim xăm vào vùng hạ bì da, thuốc đã được hấp thụ hiệu quả hơn dạng bôi

Trong thử nghiệm được báo cáo, họ đã điều trị thành công cho những con chuột nhiễm Leishmania bằng phương pháp xăm tattoo. Với việc được đưa trực tiếp bằng kim xăm vào vùng hạ bì da, thuốc đã được hấp thụ hiệu quả hơn dạng bôi.

Trong khi đó, với thời gian lưu trữ lâu, những con chuột cũng không phải tiêm lại nhiều lần và tiết kiệm liều từ 6-16 lần so với kỹ thuật tiêm bằng kim y tế vào vùng phúc mạc.

"Ý tưởng về xăm tattoo trị liệu không phải quá mới, nó đã có từ năm 3.300 trước Công Nguyên với việc các nhà khảo cổ tìm ra 57 hình xăm (từ các xác ướp cổ đại) được cho là vì mục đích trị liệu", Shio viết trong nghiên cứu.

"Tuy nhiên, báo cáo lần này của chúng tôi là lần đầu tiên kỹ thuật xăm tattoo được thực hiện như một hình thức phân phối thuốc. Nếu được chứng minh là hữu ích, xăm tattoo có thể trở thành một can thiệp điều trị cho nhiều căn bệnh, từ vẩy nến, ung thư da cho tới các bệnh nhiễm trùng khác".

Cập nhật: 28/03/2022 Theo Pháp luật&bạn đọc
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video