Sau khi dựng các phòng khách mô phỏng cho vi khuẩn, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Oregon đã kết luận rằng những nơi trong nhà tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có khả năng chứa ít vi khuẩn hơn những nơi tối. Nghiên cứu của họ được công bố trên tạp chí Microbiome.
Họ không đánh giá sự khác nhau của tác động ánh sáng với những loại vi khuẩn có hại hay vô hại. Mối quan tâm chủ yếu của cuộc nghiên cứu là đánh giá các loại vi khuẩn có sự phát triển mạnh mẽ trong môi trường khô và bụi, trừ các loại có trong các góc ẩm và các khe nứt. Các tác giả tin rằng kết quả của đề tài này sẽ góp 1 phần xây dựng thiết kế an toàn cho nhà cửa, nơi làm việc và bệnh viện.
Các tác giả viết: “Kết quả của chúng tôi cho thấy lượng bụi tiếp xúc với ánh sáng ban ngày chứa các loại vi khuẩn tương tự với vi khuẩn ngoài trời (không có sự tương đương với các chủng vi khuẩn sống ở da, ruột người, hay dưới đất). Tác động diệt khuẩn của ánh sáng mặt trời qua cửa sổ có thể tương đương với những tác đồng diệt khuẩn bằng tia cực tím".
Nơi trong nhà tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có khả năng chứa ít vi khuẩn hơn những nơi tối.
Để thử nghiệm các chủng vi khuẩn xuất hiện thực tế trong nhà, đội ngũ nghiên cứu đã thu thập các mẫu bụi từ tất cả các phòng của 7 ngôi nhà ở thành phố Eugene, Oregon. Các mẫu được trộn với nhau rồi chia lên 9 tấm kính, đặt vào 9 thùng container có thiết kế giống những phòng khách điển hình thu nhỏ.
Mỗi thùng có một cửa sổ được làm bằng 1 trong 3 vật liệu: loại kính chặn hầu hết các bức xạ UVA và UVB nhưng cho ánh sáng nhìn thấy và tia hồng ngoại đi qua, đây là loại kính cửa sổ thương mại; loại kính chặn hầu hết ánh sáng nhìn thấy và tia hồng ngoại nhưng cho tia UVA và UVB đi qua; hoặc một tấm nhôm mờ. Nhiệt độ của các phòng khách thu nhỏ này duy trì từ 18,2 đến 22,3 độ C và độ ẩm được giữ ở mức từ 23 đến 64%. Tấm kính chứa bụi được đặt hướng về phía Nam, nơi không có vật cản ánh sáng.
Sau 90 ngày phơi sáng, lượng vi khuẩn đã giảm đi một cách đáng kể ở vị trí có ánh sáng và tia UV chiếu tới. Các loại vi khuẩn ở nơi có ánh sáng chiếu tới tương tự với các loại vi khuẩn sống ngoài trời. Trong khi đó, những nơi không có ánh sáng chiếu tới chỉ có khoảng 25% chủng vi khuẩn ngoài trời. Cả 3 cộng đồng vi khuẩn này đều chỉ có khoảng 15% đến 25% loài vi khuẩn ký sinh trên da người.
Đúng như dự đoán, với sự đa dạng của cộng đồng vi khuẩn, mặc dù ánh sáng ban ngày làm giảm đáng kể các chủng vi khuẩn phổ biến trong nhà, nhưng một số loại vi khuẩn hiếm gặp đã tăng sinh trong quá trình nghiên cứu. Các tác giả giải thích rằng có thể do sự tiêu diệt các loại vi khuẩn phổ biến đã nhường chỗ cho các loại vi khuẩn khác có khả năng sinh tồn trong ánh sáng.