Ảo ảnh thời gian ngừng trôi: Vì sao đôi khi bạn thấy kim đồng hồ dừng lại?

  •  
  • 493

Bạn luôn cảm thấy ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ trôi qua thật nhanh. Ngược lại, thời gian dường như bị giãn ra giống một sợi dây chun khi bạn bị mắc kẹt trong những cuộc họp diễn ra triền miên.

Đó là những ví dụ cho thấy sự bất ổn định thời gian - một hiện tượng tại đó thời gian có thể trôi qua nhanh hơn, hoặc chậm hơn thực tế.

Vì sao đôi khi bạn thấy thời gian như ngừng trôi khi các kim đồng hồ dừng lại?
Vì sao đôi khi bạn thấy thời gian như ngừng trôi khi các kim đồng hồ dừng lại? (Ảnh minh họa: Internet).

Một ví dụ trực quan khác về sự ổn định thời gian là ảo ảnh "đồng hồ ngưng đọng". Nó được tạo ra khi bạn đột ngột di chuyển ánh mắt sang một chiếc đồng hồ với kim giây truyền thống.

Hành động này có thể khiến kim giây của đồng hồ như đứng yên trong hơn 1 giây, tức là trái với cảm nhận về thời gian theo lẽ thông thường.

Kielan Yarrow, nhà tâm lý học tại Đại học London, giải thích rằng yếu tố chính tạo nên ảo giác đồng hồ ngưng đọng, cũng như sự ổn định thời gian nói chung, là bởi chuyển động diễn ra nhanh chóng của mắt từ vật này sang vật khác.

Những chuyển động như vậy được gọi là "saccade" (tạm dịch: sự bất ngờ). Yarrow giải thích rằng, chúng có thể gây ra vấn đề cho bộ não của chúng ta, khiến nó cảm thấy bất ngờ trước những diễn biến xung quanh.

"Nó giống như di chuyển máy ảnh trên điện thoại của bạn vậy", chuyên gia này lý giải. "Nếu di chuyển điện thoại của mình đủ nhanh, bạn có thể nhận ra một vệt chuyển động lớn, và cả thế giới dường như cũng di chuyển".

Khi mắt chuyển động nhanh, sẽ có những khoảng trống trong thông tin hình ảnh mà chúng không thể tiếp nhận. Bộ não của chúng ta phản ứng bằng cách "lấp đầy" những khoảng trống đó để tránh hiện tượng "nhòe" chuyển động.

Ảo ảnh đồng hồ ngưng đọng cho thấy những giới hạn của việc tái lập nên hình ảnh của quá khứ này. Cụ thể, nếu kim đồng hồ dịch chuyển trong quá trình "saccade", chúng ta sẽ không nhìn thấy nó chuyển động, bởi quá trình tái tạo của bộ não dựa trên những gì nó nhìn thấy ở cuối quá trình truyền tín hiệu. Nói cách khác, bạn sẽ nhìn thấy kim giây dường như đã đứng yên, trong khi nó thực sự đang chuyển động.

Khi kỳ vọng của não bộ xung đột với thực tế, ảo ảnh về thời gian sẽ diễn ra.
Khi kỳ vọng của não bộ xung đột với thực tế, ảo ảnh về thời gian sẽ diễn ra. (Ảnh: Popsci).

Ảo ảnh này được chứng minh bằng một thí nghiệm thú vị, liên quan đến trò chơi điện tử. Thí nghiệm bao gồm việc yêu cầu một nhóm đối tượng chơi các trò chơi điện tử thông thường, nhưng họ không biết rằng có một độ trễ ngắn được cài vào trò chơi khi họ nhấn các nút trên bộ điều khiển.

Độ trễ này là vừa đủ để não của chúng ta không nhận ra sự khác biệt, và nó lập tức xử lý thông tin để phù hợp với trạng thái này. Kết quả là những người chơi đều có chung một cảm nhận rằng hành động điều khiển của họ diễn ra trên màn hình là liền mạch.

Tuy nhiên, khi độ trễ bị loại bỏ một cách đột ngột, những người chơi ngay lập tức cảm thấy như hình ảnh trên màn hình diễn ra trước khi họ nhấn nút điều khiển.

Giống như ảo giác đồng hồ ngưng đọng, những kỳ vọng của não bộ xung đột với thực tế, dẫn đến những gì đối tượng trải qua là ảo ảnh về thời gian bị bóp méo.

Yarrow lưu ý rằng những hiệu ứng này thường chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn, vì não của chúng ta sẽ sớm đồng bộ với các tín hiệu đầu ra để có được thông tin chính xác.

Dẫu vậy, những thí nghiệm như vậy chứng minh rõ rằng nhận thức của chúng ta về thời gian là không nhất quán. Tại đó, nhiều sự kiện diễn ra trong cuộc sống thường ngày đều có thể ảnh hưởng đến cách mà chúng ta trải nghiệm thời gian.

"Bạn có thể thấy thời gian di chuyển nhanh, chậm, hay thậm chí dừng lại. Thế nhưng sau đó, bạn sẽ nhanh chóng quay trở lại thực tế và không bao giờ bị mắc kẹt trong đó", Yarrow cho biết.

Cập nhật: 13/12/2023 Dân Trí
  • 493