Ấu trùng kiến sư tử tung “cú lừa” ngoạn mục đến kẻ thù, giúp chúng thoát chết trong gang tấc

  •  
  • 1.227

Gần đây, các nhà nghiên cứu tại Anh đã vô tình phát hiện ra một "tuyệt chiêu" độc đáo của loài ấu trùng kiến sư tử, hay còn gọi là cút (cúc) đất, khiến những kẻ săn mồi bị chuyển hướng chú ý đi nơi khác, giúp chúng thoát chết trong gang tấc.

Cụ thể, trong khi tiến hành một nghiên cứu về cách ấu trùng của kiến sư tử Châu Âu (Euroleon nostras) đào lỗ trên cát để trú ẩn và bắt mồi, giáo sư Nigel R. Franks tại Đại học Bristol (Anh) và các đồng nghiệp của ông đã phát hiện ra một điều thú vị: khi đưa ấu trùng dài 12 mm lên một chiếc cân nhỏ để cân, con vật lập tức nằm im như thể đã chết.

Một con ấu trùng kiến sư tử đang "giả chết".
Một con ấu trùng kiến sư tử đang "giả chết".

Bị cuốn hút, Franks và các đồng nghiệp đã quan sát hành vi này liên tục và phát hiện con côn trùng có thể bất động trong khoảng thời gian từ vài giây đến hơn một giờ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là "kế sách cuối cùng" để thoát chết của ấu trùng kiến sư tử, dùng khi những loài chim săn mồi lỡ đánh rơi chúng.

Họ đã lập những mô hình hành vi bằng máy tính với hy vọng hiểu được cách một con côn trùng giả chết, hay chính xác hơn là "bất động sau tiếp xúc" (PCI) - theo ngôn ngữ khoa học.

Các mô hình xem xét các yếu tố khác nhau của kẻ săn mồi - con mồi như:  số lượng lỗ trong một bãi cát nhất định, khoảng cách giữa chúng, thời gian chim di chuyển giữa các lỗ, hay các khía cạnh về hành vi của chim, như khả năng một con chim làm rơi con mồi và cả khoảng thời gian mà kiến sư tử duy trì PCI.

Những chiếc lỗ do ấu trùng kiến sư tử đào.
Những chiếc lỗ do ấu trùng kiến sư tử đào.

Các mô hình sử dụng "định lý giá trị cận biên" (marginal value theorem), mô tả cách thức kiếm ăn tối ưu của động vật để đạt được hiệu quả tối đa. Mô hình cân nhắc giữa lợi ích của việc một con vật ở lại một chỗ để kiếm ăn cho đến cùng, hoặc thay vào đó dành thời gian để di chuyển đến một địa điểm giàu thức ăn khác khi nguồn cung cấp tại địa điểm ban đầu bắt đầu cạn kiệt.

Kết quả cho thấy, việc giả chết thực sự có thể giúp một con côn trùng sống sót, nếu nó sống chung với nhiều đồng loại khác. Điều này có vẻ là do có rất nhiều mục tiêu khác gần đó nên việc bắt một con côn trùng khác sẽ hiệu quả hơn.

Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng hiệu quả này có thể phụ thuộc vào cách các loài chim săn mồi. Nếu một con chim săn mồi chủ yếu bằng cách tìm kiếm những con mồi chuyển động, thì một con côn trùng nằm bất động là một mục tiêu khó khăn. Bất kỳ loài côn trùng nào di chuyển gần đó đều dễ dàng phát hiện và bắt hơn, nhờ đó "chiến lược" giả chết thành công.

Một nghiên cứu trước đó của cùng một nhóm nghiên cứu đã gợi ý rằng việc giả chết hoạt động hiệu quả nhất khi thời gian bất động thay đổi tùy từng cá nhân. Điều này có nghĩa là các loài chim săn mồi không thể dự đoán chính xác khi nào một con côn trùng "chết" sẽ "sống lại", khiến chúng càng dễ bị phân tâm bởi những con côn trùng di chuyển gần đó.

Các loài chim săn mồi sẽ không thể dự đoán được khi nào ấu trùng ngừng "giả chết".
Các loài chim săn mồi sẽ không thể dự đoán được khi nào ấu trùng ngừng "giả chết".

Franks nói rằng chiến thuật này gần giống như các kỹ thuật mà một ảo thuật gia sử dụng để chuyển hướng sự chú ý của khán giả trong khi thực hiện một trò ảo thuật, mặc dù có sự khác biệt rõ ràng: một con côn trùng giả chết đang dựa vào những con côn trùng khác để đánh lạc hướng một con chim thay vì chủ động chuyển hướng sự chú ý của con chim.

Tuy nhiên, các mô hình cũng chỉ ra rằng thời gian nằm bất động kéo dài sẽ không mang lại khả năng bảo vệ tốt hơn, ngược lại, có thể khiến ấu trùng có nguy cơ bị ăn thịt bởi những loài ăn xác thối.

Franks cho biết: "Trò giả chết thực sự là một cuộc đấu trí giữa con mồi và kẻ săn mồi, những con kiến sư tử đã đưa trò lừa đảo này đến cực điểm, mà sau đó chúng sẽ không thu được lợi thế nào nữa ".

Cập nhật: 08/03/2021 Theo VnReview
  • 1.227