Cuộc sống thật khắc nghiệt trên vùng lãnh nguyên băng giá Harstad của Vòng Bắc cực nơi Anna Prakhova đang sống. Tuy nhiên, cuộc sống có thể khắc nghiệt hơn nhiều khi tuyết không còn rơi.
|
Vòng Bắc cực (vạch đỏ) |
Trong những năm gần đây, tuyết không còn rơi như thường lệ trên nhiều vùng rộng lớn của mảnh đất hoang vắng, thỉnh thoảng được điểm xuyết vài cây thông và bulo này. Prakhova, trưởng nhóm đại diện cho những người bản địa ở Nga và các quốc gia Bắc Âu, cho biết:
''Chúng ta đang chứng kiến sự thay đổi khí hậu thực sự''.
Nhiều bằng chứng về thay đổi khí hậu Nhiều chuyên gia cho rằng con người đang đẩy nhiệt độ toàn cầu lên cao. Bằng chứng này ngày càng rõ ràng, thể hiện ở hiện tượng các dải băng ở Bắc cực đang thu hẹp và sự ấm dần lên của Ấn Độ dương. Theo kết quả khảo sát của NASA và Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia Hoa Kỳ, trong tháng 9/2005 băng ở vùng cực đã thu hẹp tới mức thấp nhất trong vòng 100 năm qua. Một cuộc khảo sát trong năm nay của các nhà khoa học Hoa Kỳ tại Viện hải dương học Scripps cho thấy Thái Bình dương, Đại Tây dương và Ấn Độ dương đang ấm lên trong những thập kỷ gần đây.
Khắp vùng lãnh nguyên Harstad, những mùa đông ít lạnh giá hơn đã giúp một số sâu bệnh sinh sôi, chẳng hạn như bọ cánh cứng và sâu hại. Những sinh vật này đang phá huỷ các cánh rừng ở Bắc Cực. Ở miền Bắc nước Nga, người ta thường xuyên nhìn thấy ếch trên lãnh nguyên này và một số loài chim chẳng màng di cư như trước.
Prakhova rất lo lắng về những điều đang xảy ra. Bà cho biết những con tuần lộc mà người Sami (người Sami sống ở Nga, Phần Lan, Thuỵ Điển và Na Uy) thường chăn giữ đã gặp nguy hiểm khi tuyết không rơi trong mùa đông.
''Tuyết lạnh đối với con người song lại là một chiếc giường mùa đông mềm mại đối với tuần lộc'', Prakhova nói. Thiếu tuyết cũng làm cho tuần lộc khó ăn địa y bởi loại thực vật này có thể bị băng cứng bao phủ. Băng sẽ cứa đứt những chiếc mõm mềm của tuần lộc.
Tiểu ban liên chính phủ về sự thay đổi khí hậu (IPCC) chắc chắn sẽ đưa ra những cảnh báo mạnh hơn trong báo cáo năm 2007: sự phát thải khí nhà kính từ các nhà máy điện, các nhà máy và xe cộ đang làm đảo lộn khí hậu. Sự lên tiếng ngày càng mạnh của các nhà khoa học cũng làm gia tăng áp lực đối với các chính phủ sẽ tới hội đàm về khí hậu tại Montreal, Canada từ 28/11 tới 9/12. Mục đích là thúc đẩy họ làm nhiều hơn để giải quyết một vấn đề mà có thể tốn hàng nghìn tỷ đôla để khắc phục trong những thập kỷ tới. 10.000 đại biểu tới Montreal sẽ thảo luận cách ngăn chặn sự thay đổi của khí hậu, đặc biệt là sau năm 2002 khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực.
Trách ai đây? Paal Prestrud, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và khí hậu quốc tế tại Oslo (Na Uy), nói:
''Có bằng chứng ngày càng rõ rằng con người đang tác động tới khí hậu''. IPCC cũng đã kết luận trong báo cáo cuối cùng vào năm 2001:
''Có bằng chứng mới, mạnh mẽ hơn, cho thấy hoạt động của con người đã gây ra phần lớn hiện tượng ấm lên trong 50 năm qua''. Phần lớn các nghiên cứu kể từ năm 2001 cũng đã làm suy yếu các lý thuyết: sự thay đổi hoạt động của mặt trời, bụi núi lửa hoặc nhiệt từ các thành phố là nguyên nhân chủ yếu làm tăng nhiệt độ, chứ không phải do khí thải CO2 từ quá trình đốt nhiên liệu hoá thạch.
Albert Klein Tank thuộcViện khí tượng Hoàng gia Hà Lan cho biết:
''Dựa trên những nghiên cứu mới đã được công bố, chúng ta có thể nói rằng có bằng chứng rõ hơn về tác động của con người tới khí hậu". Albert là một trong số các nhà khoa học tham gia vào soạn thảo báo cáo của IPCC vào năm 2007.
Tuy vậy, vẫn có sự không chắc chắn về tác động của ấm hoá toàn cầu. Các báo cáo của IPCC nói rằng thay đổi khí hậu có thể gây ra nhiều cơn bão mạnh hơn, nhiều đợt nắng nóng, hạn hán và làm gia tăng mực nước biển thêm gần 1 m vào năm 2100. Các nhà khoa học khác thì cho rằng con người sẽ có thể thích ứng với những thay đổi và cho rằng các mô hình dự báo của IPCC có thể sai. Chẳng hạn họ chỉ ra một vấn đề tranh cãi kéo dài: liệu nhiệt độ trong khí quyển có gia tăng chậm hơn so với bề mặt hay không. GS John Christy thuộc ĐH Alabama cho biết:
''Tôi không thấy những tác động mang tính thảm hoả do sự ấm hoá toàn cầu mà những người khác dự đoán. Có lẽ khi nhiệt độ bề mặt ấm lên, khí quyển có khả năng giải phóng nhiệt vào không gian theo cách mà các mô hình khí hậu không tính đến''.
Các nhà môi trường nói rằng bằng chứng về việc con người làm Trái đất ấm lên có thể giúp tiến hành các vụ kiện chống lại những nước thờ ơ trong vấn đề này. Các nhà môi trường thường chỉ trích Mỹ và Australia. Hai nước này là những nước giàu có chủ yếu, không tham gia vào Nghị định thư Kyoto - nghị định yêu cầu các nước sẽ phải giảm sử dụng nhiên liệu hoá thạch và chuyển sang các nguồn năng lượng sạch giống như gió và mặt trời. Tổng thống Bush đã rút khỏi nghị định thư vào năm 2001 với ly do Kyoto quá tốn kém và loại trừ các nước nghèo trong lần cắt giảm đầu tiên. Ông cho rằng cần nghiên cứu nhiều hơn và đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ giống như hydro.
Trong khi mọi người vẫn tranh cãi thì thời gian không đợi chờ Prakhova - một trong những người đang sống ở
'tiền tuyến' của sự thay đổi khí hậu. Một báo cáo của 250 chuyên gia vào cuối năm 2004 cho thấy Bắc Cực đang ấm lên với tốc độ nhanh gấp hai lần so với toàn cầu. Điều đó có thể đẩy những con gấu tới bờ tuyệt chủng và vùng biển Bắc Cực không còn băng vào mùa hè năm 2100.
Minh Sơn (
tổng hợp)