Bạch hổ ở Hương Giang

  •  
  • 3.672

Chẳng phải là chiếc cầu mang tên Bạch Hổ vắt ngang dòng sông Hương thơ mộng của xứ Huế, mà đây là những con hổ trắng trong một vườn thú tư nhân khổng lồ có tên là Hương Giang. Đây còn là câu chuyện bảo tồn và nhân giống một loài thú quí hiếm.

Vườn thú này có tên gọi chính thức là Thế giới động vật hoang dã Hương Giang (Xiangjiang wildlife world) ở Phiên Ngung, cách thủ phủ Quảng Châu của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc chừng nửa giờ ngồi xe.

Trong thế giới động vật ngoài trời

Giá vé vào cửa khá cao, đến 120 tệ (khoảng 220.000 đồng VN) mà chỉ sau khi đi hết một vòng vườn thú rộng mênh mông này mới thấy khoản tiền vé đó thật đáng đồng tiền bát gạo. Giá vé còn cao hơn - 145 tệ - nếu muốn xem safari Hương Giang về đêm.

Để đi giáp vòng vườn thú Hương Giang không tài nào dùng đôi chân nổi. Có hai khu vực, một khu phải đi bằng xe, loại xe buýt thấp kéo theo nhiều toa, khách có thể thoải mái xem các động vật thả rong hay nuôi ngoài trời; và khu vực thứ hai khách phải đi bộ xem động vật phần lớn nuôi trong chuồng trại, đặc biệt là các giống thú cực quí hiếm như gấu mèo hay gấu mèo lửa.

Khu vực 1 lại chia thành vùng châu Á, vùng châu Phi và vùng của thú dữ. Chỉ cần xe chạy chừng trăm mét vào vùng châu Á, du khách ngồi xe đã phải sử dụng tối đa máy ảnh và máy quay phim: những chú lạc đà Mông Cổ to lớn hai bướu, rồi trâu yak Tây Tạng, hươu nai và những bầy công Ấn Độ có bộ cánh sặc sỡ... thoải mái trong khung cảnh tự nhiên là giang sơn của chúng. Sau đó là những con hươu cao cổ, những bầy ngựa vằn, nai sừng, sơn dương, linh dương đầu bò, đà mã và đà điểu châu Phi... sống thành bầy đàn ở khắp nơi. Những con thú được ăn uống no đủ, không bị giam cầm nên thật khỏe mạnh, sinh động. Chúng cũng chẳng thèm quan tâm tới chiếc xe chở chúng tôi như thể đã quá quen thuộc.

Chặng kế là vào vùng loài thú dữ. Thật tuyệt vời khi được thoải mái ngắm nhìn những con sư tử to tướng, những chú cọp Bengal và cọp Siberia với bộ lông vằn vện tuyệt đẹp và thân hình săn chắc, tướng tá dũng mãnh (chứ không trông thảm như những con hổ ở Thảo cầm viên Sài Gòn hay Vườn bách thú Hà Nội). Bất chợt cả đoàn kinh ngạc kêu lên khi nhìn thấy những con hổ trắng muốt, cả sư tử trắng nữa, chúng đang nhàn tản đi lại hoặc nằm kềnh ra dưới bóng cây xanh. Tất nhiên bọn thú dữ này được ngăn với con đường xe qua bằng một vòng rào và một con kênh đủ rộng và sâu để chúng không thể vượt qua, nhưng hoàn toàn không có chuồng trại và song sắt chật hẹp, hôi hám. Chúng có cả những đoạn suối hay hồ nước nhỏ để đầm mình, có những cái hang được xây nhưng trông như hang núi thật.

Rồi là đủ loại gấu cũng an nhiên tự tại trong khu vực của riêng chúng giữa đất trời, rồi là voi châu Á lẫn châu Phi với bộ ngà dài và cong, những chú tê giác và cả tê giác trắng với lớp giáp dày trông như những cỗ chiến xa. Xa xa là những hồ nước rộng với những bầy sếu, thiên nga, hồng hoàng...

Phải mất gần 45 phút ngồi xe để xem vườn thú ngoài trời ấy nhưng cả đoàn đều cảm thấy tiếc vì thời gian không còn nữa, phải xuống xe đi bộ vào khu vực 2, đến với những “tiết mục” mà người hướng dẫn cho biết “còn cực kỳ hấp dẫn”.

Hổ trắng quí hiếm

Điểm đến kế tiếp hóa ra là một nhà bảo sanh của... hổ. Du khách được giới thiệu các giai đoạn chăm nuôi những bé con hổ trắng xinh xinh mới chào đời; có bé còn được nuôi trong lồng ấp y như trẻ sơ sinh; chúng được cho bú, cho ăn, được khám sức khỏe thường xuyên cho đến khi đủ sức vóc để thả vào khu dành riêng cho chúng. Điểm đến kế tiếp là một rạp xiếc hổ với những màn biểu diễn hổ nhảy vòng lửa, hổ đứng hai chân, hổ leo cầu thang, hổ kéo dây với khán giả..., song sự độc đáo ở chỗ toàn bộ “diễn viên” ở đây là bạch hổ! Những con hổ trắng to tướng đến vài tạ nhưng các động tác thì cực kỳ khéo léo, thuần thục dưới chiếc roi chỉ huy của hai chàng trai.

Bầy hổ trắng ở Hương Giang đông tới hơn 60 cá thể, là bầy hổ trắng lớn nhất và duy nhất trên thế giới. Có tới hơn 1/4 hổ trắng nơi đây là con của Kaili, hổ trắng mẹ được đưa từ Thụy Điển về Hương Giang năm 1997, khi vườn thú mới mở cửa đón khách. Kaili có nhiều con như vậy là nhờ nó rất mắn đẻ và quan trọng hơn, nhờ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo được thực hiện hết sức thành công tại Hương Giang mà giống là từ một hổ trắng đực được nuôi tại Mỹ. Năm 1998, Kaili đã lập kỷ lục khi sinh tới sáu chú hổ con. Ba trong số những con cái do Kaili sinh ra tiếp tục làm công việc nhân rộng bầy đàn, và không có chú hổ con nào phải sớm lìa đời nhờ chúng được chăm sóc chu đáo từ sơ sinh bởi một đội ngũ y, bác sĩ thú y lành nghề. Đặc biệt, tại Hương Giang có một hổ tuyết vùng Siberia cực kỳ quí hiếm: hiện chỉ còn 75 cá thể trên thế giới và chủ yếu sống ở vùng băng giá Siberia.

Cũng nhờ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoàn hảo đó mà Hương Giang còn có sư tử trắng, kangaroo trắng kỳ lạ như thể chúng được khoác lên một lớp da nhân tạo! Nếu sư tử trắng có kích cỡ chẳng khác sư tử thông thường, con đực oai vệ với bờm lông trắng muốt, thì kangaroo trắng bé hơn đồng loại của chúng ở châu Đại Dương và trông chúng cũng hiền lành, chậm chạp hơn dù vẫn được nuôi thả giữa thiên nhiên.

Vườn thú tư nhân

Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được giới thiệu Hương Giang là một vườn thú hoàn toàn do tư nhân đầu tư, khai thác. Các ông chủ tư nhân của Hương Giang đã bỏ ra tới 1 tỉ nhân dân tệ (120 triệu USD) để biến một vùng đất rộng 133 hecta thành một địa đàng cho hơn 10.000 động vật thuộc 130 loài cầm thú, mà rất nhiều loài trước đó chưa bao giờ được nhìn thấy tại Trung Quốc (TQ). Có đến 80% các loài động vật ở đây sống chủ yếu về đêm nên Hương Giang còn là một safari park mở cửa đón khách đến tận nửa đêm.

Công ty Hương Giang được thành lập năm 1996, đến tháng 12-1997 Thế giới động vật hoang dã Hương Giang chính thức mở cửa đón khách. Ngay lập tức nó trở thành một điểm tham quan du lịch quan trọng của không chỉ tỉnh Quảng Đông mà cả với TQ. Khách của Hương Giang là tầng lớp có thu nhập khá và giàu có của vùng đồng bằng sông Châu Giang - một khu vực kinh tế phát triển và năng động bậc nhất tại TQ. Du khách từ Đài Loan, Hong Kong, Macau cũng ưa thích Hương Giang và cả du khách nhiều nước trên thế giới cũng không bỏ qua điểm đến hấp dẫn này, bởi đây là vườn thú nuôi thả lớn nhất ở TQ và được xếp thứ hai trên thế giới (chỉ sau vườn thú San Diego, bang California của Mỹ, về diện tích cũng như về số lượng và số loài động vật).

Theo ông Lý Mạc, thuộc Tập đoàn Chime Long ở Quảng Châu, người sáng lập Hương Giang, có tới 90% động vật ở đây được nhập từ nước ngoài về, nhiều nhất là từ châu Phi và Thái Lan. Song Hương Giang không chỉ là vườn thú mà còn là một vườn thực vật lớn với các loài cây và hoa quí hiếm, đa dạng. Những mảng rừng nhiệt đới tươi tốt nhờ được bảo vệ, chăm sóc khiến nó trở thành khu nghỉ mát, thư giãn cuối tuần lý tưởng.

Những chú bé theo chân cha mẹ hay cô giáo vào Hương Giang không chỉ tròn mắt trước các màn biểu diễn của hổ trắng, cá sấu, voi, hải cẩu, mà còn ngơ ngẩn trước một dàn đồng ca của hàng trăm con vẹt rực rỡ sắc màu ở chặng cuối của hành trình tham quan vườn thú này. Một vườn thú như Hương Giang cũng là một trường học quan trọng dạy cho trẻ. 

Hổ trắng (white tiger) không phải là hổ bị bạch tạng (albino). Hổ bạch tạng gần như không có sọc hoặc chỉ thấy sọc rất mờ, trong khi hổ trắng vẫn có sọc đen như hổ thông thường. Sắc trắng của hổ là do đột biến gen; theo đó, hai hổ bố mẹ thông thường mang những gen lặn có thể sinh ra hổ con màu trắng. Tuy nhiên bố mẹ là hổ trắng thì chỉ sinh ra những hổ con màu trắng.

Hổ trắng còn được gọi là hổ tuyết (ice tiger) chỉ bởi sắc màu chứ không phải vì môi trường sống của chúng; tuy nhiên có nhiều hổ trắng tại vùng Siberia quanh năm tuyết phủ.

Hổ trắng ngoài thiên nhiên hết sức hiếm hoi. Những nơi được ghi nhận có hổ trắng ngoài thiên nhiên là Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, Nepal, Myanmar, Malaysia và các đảo Sumatra, Java của Indonesia.  

BÍCH GIANG

Theo Tuổi trẻ
  • 3.672