Hình ảnh mới nhất do tàu vũ trụ New Horizons cung cấp cho thấy bằng chứng về sự trẻ trung của Diêm Vương tinh: những dòng sông băng đang chảy trên bề mặt nó.
Nhờ quan sát hình ảnh có độ phân giải cao được tàu vũ trụ New Horizons của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) gửi về hôm 24/7, giới khoa học phát hiện những dòng sông băng đang chảy trên bề mặt sao Diêm Vương, lớp khí quyển mờ ảo và cơn mưa hợp chất hữu cơ trên hành tinh này.
"Chúng tôi có bằng chứng thực tế về hoạt động địa chất gần đây của sao Diêm vương", National Geographic dẫn lời Bill McKinnon thuộc Đại học Washington, Mỹ, cho hay.
Những bức ảnh mới nhất chủ yếu tập trung vào khu vực có tên Rombaugh Regio, hay còn gọi là "trái tim" trên bề mặt sao Diêm Vương. Đây là khu vực bao gồm nhiều kiểu địa hình đa dạng với phần trung tâm tương đối bằng phẳng, phần rìa gồ ghề.
Phía tây của vùng "trái tim" tập trung những dãy núi băng và sườn dốc. Tại phía bắc là cánh đồng băng khổng lồ Sputnik Planum, nơi xuất hiện dòng chảy của sông băng nitơ. Tại phía nam, dòng băng liên tục chảy quanh dãy Edmund Hillary và Tenzing Norgay, sau đó tích tụ lại trong những hố va chạm lớn.
"Băng nitơ, băng carbon monoxide, băng methane đều có tính chất mềm, dễ uốn ngay cả trong điều kiện của sao Diêm Vương. Chúng chảy tương tự như sông băng trên Trái Đất. Đây thực sự là một hành tinh trẻ," McKinnon nói.
New Horizons cũng đã thu thập thêm nhiều thông số liên quan đến bầu khí quyển của sao Diêm Vương. Dữ liệu mới cho thấy, bầu khí quyển của sao Diêm Vương mất đi khoảng một nửa khối lượng trong hai năm qua. Vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận, tuy nhiên điều này cho thấy có thứ gì đó đã tạo ra sự thay đổi đáng kể ở trên.
Bầu trời sao Diêm Vương được bao phủ bởi lớp sương mù do những phần tử nhỏ tạo thành, chúng phân bố lên đến độ cao 160 km, sau đó rơi trở lại bề mặt hành tinh. Lớp sương mù góp phần tạo ra màu đỏ của sao Diêm Vương.
Rất khó để quan sát lớp sương mù mỏng nếu chúng ta đứng ở bề mặt sao Diêm Vương, nhưng nếu nó được chiếu sáng từ phía sau thì có thể nhìn thấy rất rõ. Tàu New Horizons chụp được lớp sương mù này ở vị trí cách Diêm Vương 11,2 triệu km
"Lớp sương mù có phạm vi rộng. Nó hình thành cao trong bầu khí quyển, nơi có nhiệt độ nóng. Đây là một bí ẩn", Michael Summers thuộc Đại học George Mason, Mỹ, nói. "Chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu điều này trong thời gian tới."
Anlen Stern, trưởng dự án New Horizons cho biết: "Diêm Vương có lịch sử hết sức thú vị, và chúng ta còn nhiều điều phải làm để tìm hiểu chỗ phức tạp này."