Bằng chứng cho thấy sao Hoả có sự sống

  •  
  • 9.371

Vùng lòng chảo Argyre quy tụ nhiều đặc điểm địa chất đặc biệt có thể là nơi tồn tại sự sống trên sao Hoả.

Nhóm các nhà sinh vật học vũ trụ quốc tế công bố nghiên cứu này trên tạp chí Astrobiology hôm 16/2. Họ tìm thấy nhiều yếu tố cần thiết cho sự sống tại vùng lòng chảo khổng lồ, rộng 1.770km, nằm ở nam bán cầu của hành tinh Đỏ. Nói cách khác, vùng lòng chảo này chính là cái nôi của sự sống, nếu có, trên hành tinh này, theo Science Alert.

"Theo góc độc sinh vật học vũ trụ, chúng tôi nhận thấy rằng Argyre quy tụ nhiều đặc điểm địa chất đặc biệt, chẳng hạn như lớp trầm tích nhiệt dịch hình thành do sự tuần hoàn của nước nóng, những ụ đất đá đóng băng và dấu vết của sông băng cổ đại", Alberto Fairen, từ Đại học Cornell Mỹ, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.

Bề mặt lòng chảo rộng, những hình thái địa lý đặc biệt ở gần nhau và vị trí dễ tiếp cận tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học nghiên cứu.

Khoảng 4 tỷ năm trước, sao Hỏa đã từng có nhiều sông ngòi và một bầu khí quyển bảo vệ hành tinh khỏi tia bức xạ Mặt Trời. Hai đặc điểm này tạo ra môi trường có thể tồn tại được cho một số dạng sống.

Vùng lòng chảo Argyre trên bề mặt sao Hoả có thể tiềm ẩn bằng chứng của sự sống.
Vùng lòng chảo Argyre trên bề mặt sao Hoả có thể tiềm ẩn bằng chứng của sự sống. (Ảnh: Science Alert).

Vào cùng thời điểm đó, một khối đá lớn va đập vào sao Hoả, hình thành nên vùng lòng chảo Argyre. Cú va chạm có thể đã kích hoạt hoạt động thủy nhiệt gần đó và cũng có thể đã kích hoạt và tạo điều kiện cho sự sống.

Dần dần, bầu khí quyển của sao Hỏa đã bị huỷ hoại bởi gió Mặt Trời khắc nghiệt. Hành tinh bị đóng băng và trở nên khô cằn như chúng ta thấy ngày nay.

Lòng chảo Argyre không chỉ là nơi lý tưởng cho sự sống sinh sôi mà còn là nơi bảo quản các hoá thạch một cách hoàn hảo. Do đó, dù sự sống không còn tồn tại trên hành tinh Đỏ, các nhà khoa học hy vọng có thể tìm thấy dấu vết nào đó.

Argyre nằm ở vĩ tuyến 50, tương đương với vị trí Falkland Islands, lãnh thổ của Anh ở phía nam Đại Tây Dương. Vùng này rất khó nhận được ánh sáng Mặt Trời vào mùa đông, nghĩa là các tàu thám hiểm muốn đến khám phá hành tinh này cần sử dụng năng lượng hạt nhân, chứ không phải năng lượng Mặt Trời.

Fairen và nhóm nghiên cứu của ông gợi ý sử dụng tàu thăm dò bay theo quỹ đạo để quan sát hành tinh từ phía trên, sau đó mới dùng tàu vũ trụ, hạ cánh xuống hành tinh mang theo một phòng thí nghiệm mini và và máy khoan để tìm kiếm sự sống.

"Rất có thể những dấu tích của hệ sinh quyển sao Hỏa cổ đại đang được lưu giữ trong lòng Argyre", ông nói.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phóng tàu thăm dò tự hành Curiosity lên sao Hoả. Nhưng ông Fairen cho rằng con tàu này, cùng những vật chất nó mang theo có thể khiến những mẫu vật tìm thấy trên sao Hoả bị nhiễm các dạng sống của Trái Đất, dẫn đến việc các nhà khoa học có thể có những kết quả xét nghiệm sai.

Trong vòng 15 năm tới, NASA kỳ vọng có thể đưa người lên hành tinh Đỏ. Fairen cho rằng chính những cư dân sao Hoả này sẽ tự mình khám phá lòng chảo Argyre.

"Nghe có vẻ điên rồ khi tưởng tượng ra những người tiên phong sẽ tìm kiếm hoá thạch trong khu vực này. Nhưng đó chính là sự hấp dẫn của khoa học, bởi bạn không bao giờ biết đâu là hồi kết", ông Fairen nói.

Cập nhật: 08/04/2016 Theo VnExpress
  • 9.371