Bức ảnh của NASA cho thấy vòng sáng kỳ lạ xung quanh hố đen vũ trụ

  •   52
  • 3.401

Lỗ đen bí ẩn đã tạo ra những cấu trúc ánh sáng kỳ lạ, chỉ có thể nhìn thấy dưới tia X.

Mới đây, một hố đen có vòng đai lạ thường bao quanh đã được Đài thiên văn tia X Chandra (Chandra X-Ray Observatory) của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chụp lại.

So với những ảnh chụp khác, lỗ đen lần này ấn tượng hơn hẳn bởi những vòng đai khổng lồ bao vây xung quanh. Theo NASA, vòng tròn ấn tượng này được tạo ra bởi các vật chất của các ngôi sao đồng hành.

Hố đen có vòng tròn khổng lồ khác lạ bao quanh được ghi lại bằng Đài thiên văn tia X Chandra và Neil Gehrels Swift. Nó tồn tại trong một hệ hành tinh thuộc hệ sao nhị phân V404 Cygni, cách Trái đất khoảng 7.800 năm ánh sáng.

Vòng sáng tuyệt đẹp quanh hố đen đã được các nhà khoa học của NASA chụp lại.
Vòng sáng tuyệt đẹp quanh hố đen đã được các nhà khoa học của NASA chụp lại. (Ảnh: NASA).

Các vòng tròn phát sáng nằm quanh hố đen còn được gọi là “tiếng vang ánh sáng”. Chúng được tạo ra từ vụ nổ tia X từ V404 Cygni được đài thiên văn Neil Gehrels Swift phát hiện vào năm 2015. Khi đó, chùm tia X từ hệ hành tinh V404 Cygni đã phản xạ các đám mây bụi nằm rải rác trong không gian nằm giữa nó và Trái đất, tạo ra các vòng năng lượng cao có cấu trúc ánh sáng kỳ lạ.

Hiểu một cách đơn giản, những vòng sáng này tương tự vầng hào quang xung quanh Mặt Trời hình thành nhờ các tinh thể băng trên bầu trời. Chúng ta có thể quan sát và chụp lại vòng đai khổng lồ này là nhờ những đám mây khí ga và bụi vũ trụ nằm rải rác xung quanh.

BGR cho biết các nhà thiên văn sử dụng hình ảnh tia X của hố đen để quan sát vòng đai khổng lồ xung quanh nó. Hình ảnh về vòng tròn này không chỉ tiết lộ nhiều điều thú vị về hoạt động của hố đen mà còn giúp nhà khoa học thăm dò các đặc tính của những đám mây bụi trong Dải Ngân hà. Những đám mây bụi này tối tăm, làm từ những hạt nhỏ và rắn, hoàn toàn khác biệt so với bụi Trái đất.

Hình ảnh lỗ đen khổng lồ Sagittarius A*.
Các nhà khoa học đã sử dụng nhiều kính viễn vọng vô tuyến, phân tích dữ liệu từ hàng trăm ổ cứng để tạo ra hình ảnh lỗ đen khổng lồ Sagittarius A*. (Ảnh: NASA).

Ngày 12/5, các nhà khoa học tại NASA cũng công bố hình ảnh đầu tiên của Sagittarius A* (Sgr A*), lỗ đen khổng lồ nằm ở trung tâm Dải Ngân hà, được chụp bởi mạng lưới Kính viễn vọng Event Horizon (EHT).

Theo BGR, những phát hiện về lỗ đen thách thức mọi hiểu biết của con người về các vật thể trong vũ trụ. Bên cạnh đó, những tấm ảnh chụp lỗ đen này sẽ giúp các nhà khoa học nghiên cứu thêm về hành vi của chúng. Tuy nhiên, hiện NASA vẫn chưa tiết lộ cách thức hố đen này hấp thụ các vật chất hay thời điểm những vòng sáng bao quanh nó biến mất.

Cập nhật: 30/07/2024 Zing
  • 52
  • 3.401