Các nhà khoa học phát hiện bằng chứng sớm nhất về hành vi chăm sóc con cái của động vật được tìm thấy trong hóa thạch có niên đại cách đây 520 triệu năm.
Hơn nửa tỷ năm trước, khi một sinh vật giống tôm nguyên thủy có tên khoa học là Fuxianhuia protensa đang bơi trên nền cát dưới đáy đại dương cùng với những đứa con thì tất cả chúng bị chôn vùi trong trầm tích. Bây giờ, 520 triệu năm sau, xác của động vật chân đốt này cung cấp bằng chứng mạnh mẽ về hành vi chăm sóc con cái sớm nhất trong lịch sử của động vật, theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí bioRxiv.
Một cá thể Fuxianhuia protensa mẹ đang bảo vệ con nhỏ khỏi những kẻ săn mồi. (Ảnh: Dong-Jing Fu).
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Tây Bắc, Trung Quốc, phát hiện các hóa thạch của sinh vật cổ đại Fuxianhuia protensa tại Hệ tầng địa chất Chiungchussu ở khu vực Côn Minh, phía nam Trung Quốc. Hệ tầng Chiungchussu hình thành trong giai đoạn đầu của kỷ Cambri. Khi đó, đại dương bị chi phối bởi động vật thân mềm nên các loài động vật ít có khả năng được bảo quản trong hồ sơ hóa thạch. Đây là lý do tại sao những hóa thạch được phát hiện trong hệ tầng Chiungchussu rất quan trọng.
Điều đặc biệt là xung quanh hóa thạch của cá thể trưởng thành xuất hiện 4 hóa thạch nhỏ hơn nhiều. Sau khi xem xét kỹ đặc điểm hình thái, các nhà nghiên cứu khẳng định 4 hóa thạch nhỏ hơn là con của cá thể trưởng thành.
Các hóa thạch Fuxianhuia protensa được phát hiện tại Trung Quốc. (Ảnh: Dong Jing Fu).
Bằng cách đếm số lượng các đốt trong cơ thể của con vật, các nhà khoa học suy luận rằng chúng có cùng độ tuổi. Điều này làm tăng khả năng cả bốn con nhỏ Fuxianhuia protensa được đẻ cùng lứa và chúng bị chôn vùi cùng lúc.
Nhóm nghiên cứu nhận định, đây là bằng chứng hóa thạch thuyết phục cho thấy những động vật chân đốt thời kỳ nguyên thủy đã thực sự có hành vi chăm sóc con cái.