Các nhà khoa học đã vén màn bí ẩn 2 triệu năm trước, tìm ra chân dung của sinh vật đứng đầu chuỗi thức ăn trong những khu rừng và thảo nguyên đầy quái thú: họ mang dòng máu của con người.
Nói đúng hơn, đó là những loài thuộc "thời kỳ chuyển tiếp", đang trút bỏ dần vẻ ngoài và bản chất của vượn nhân hình để tiến tới một con người thực thụ. Được cho là phát triển nhất vào thời kỳ đó là Homo erectus - Người Đứng Thẳng - đã biết chế tạo và sử dụng công cụ, nhưng hãy còn mang bộ não bé nhỏ và cơ thể còn nhiều nét của vượn nhân hình.
Sự thay đổi chế độ ăn, chuyển tiếp từ bữa ăn chủ yếu là quái thú của các loài sơ khai cho đến bữa ăn giàu thực vật hơn của các loài sau này. Thay đổi này chủ yếu do sự thích nghi với môi trường sống - (Ảnh: American Journal of Physical Anthropology)
Loài này và những loài anh em thời kỳ 2,5 đến 2 triệu năm về trước có một chế độ ăn giàu... ma mút và các quái thú khác, là nhóm sinh vật đứng đầu chuỗi thức ăn cổ đại, theo nghiên cứu mới từ Đại học Tel Aviv ở Israel và Đại học Minho ở Bồ Đào Nha.
Họ không hề giống hình dung trước đây của chúng ta về những con người săn bắt hái lượm thời cổ đại. Khác với nhóm săn bắt hái lượm hiền hòa hơn sau này, khi con người đã thực sự sở hữu hình dáng và những tính chất tiệm cận hiện đại.
Hộp sọ hóa thạch từ một loài người sơ khai - (Ảnh: Nature)
Theo tiến sĩ Miki Ben-Dor từ Đại học Tel Aviv, thành viên nhóm nghiên cứu, điều này có thể được giải thích đơn giản: "nhóm săn bắt hái lượm thời kỳ sau, ví dụ tổ tiên Homo sapiens chúng ta, không thể tiếp cận với một thế giới ngập tràn quái thú như thời cổ đại, vì thế họ không phát triển theo hướng thành kẻ đứng đầu chuỗi thức ăn, có chế độ ăn hiền hòa hơn. Những Homo sapiens đầu tiên vẫn săn và ăn các quái thú, nhưng ít hơn nhiều".
Còn nhóm người 2,5 đến 2 triệu năm trước, hầu như chỉ ăn thịt quái thú. Vì họ sống trong một thế giới bị chi phối bởi "kỷ băng hà lớn" cuối cùng, khiến vùng châu Âu và Bắc Mỹ ngày nay luôn bị chôn vùi bởi sông băng dày, theo Science Alert.
Hệ sinh thái khắp địa cầu toàn những con thú lớn đi lang thang, như ma mút, voi răng mấu, những con lười khổng lồ nặng hàng tấn... Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phân tích hóa học từ xương và men răng để tìm ra các ví dụ cục bộ về chế độ ăn của họ và khẳng định vấn đề.
Chính khả năng săn bắt đáng kinh ngạc này đã giúp con người "giao thời" nuôi được bộ não luôn đói năng lượng, góp phần quan trọng vào việc phát triển não bộ.
Tất nhiên điều này không có nghĩa - chúng ta - con người hiện đại nên ăn thêm nhiều thịt hơn, bởi nhân loại đã tiến hóa rất xa và mỗi loài thuộc chi Người, mỗi giai đoạn loài đó phát triển, cơ thể đều đã thay đổi để thích nghi với những chế độ ăn phù hợp môi trường sống mà vẫn đảm bảo sức khỏe.
Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học American Journal of Physical Anthropology.