Bảng lượng giác 3700 năm của người Babylon

  •   43
  • 4.411

Các nhà khoa học Australia vừa giải mã được bảng lượng giác cổ nhất thế giới của người Babylon.

Plimpton 322 là bảng lượng giác đầu tiên trên thế giới
Plimpton 322 là bảng lượng giác đầu tiên trên thế giới. (Ảnh: UNSW.)

Các nhà khoa học tại Đại học New South Wales, Australia vừa phát hiện tấm bảng bí ẩn khắc số của người Babylon chính là bảng lượng giác cổ nhất thế giới với niên đại 3700 năm, RT hôm 25/8 đưa tin.

Tấm bảng có tên gọi Plimpton 322, do nhà khảo cổ học Edgar Banks tìm thấy đầu thế kỷ 20. Các nhà khoa học đã phải mất nhiều thập kỷ mới giải mã được tấm bảng đất sét này. Đây là bảng lượng giác cổ nhất trên thế giới, có trước thời kỳ Hy Lạp hóa đến 1000 năm.

Plimpton 322 có kích cỡ bằng bàn tay, gồm 4 cột dọc và 15 hàng ngang khắc các con số, sử dụng hệ số lục thập phân. Cổ vật bằng đất sét này có khả năng cao được dùng để quyết định tỷ lệ các góc trong xây dựng nhà cửa.

Cụ thể hơn, 15 hàng trên phiến đất sét biểu thị chuỗi 15 hình tam giác vuông, với góc nghiêng giảm dần. Phát hiện đặc biệt này đã khiến Plimptom 322 trở thành bảng công thức lượng giác lâu đời và chính xác nhất từng được ghi nhận. Bên cạnh đó, vì phiến đất sét vẫn còn một phần bị vỡ nên các chuyên gia chưa thể chắc chắn về nội dung đầy đủ của bảng công thức lượng giác cổ xưa này.

Việc nhận dạng được "bộ ba số Pytago" là chìa khóa để xác định mục đích của tấm bảng, tiến sĩ Daniel Mansfield và giáo sư Norman Wildberger tại Đại học New South Wales cho biết.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy Plimpton 322 miêu tả các dạng tam giác vuông, sử dụng một loại lượng giác mới dựa trên các tỷ lệ chứ không phải góc và đường tròn. Đó là một công trình toán học tuyệt vời chứng minh cho những bộ óc thiên tài", tiến sĩ Mansfield giải thích.

"Tấm bảng không chỉ thể hiện bảng lượng giác cổ nhất thế giới mà còn là bảng lượng giác duy nhất hoàn toàn chính xác, vì cách tiếp cận số học và hình học của người Babylon rất khác", ông nói thêm.

Tấm bảng này xuất hiện trước những nghiên cứu của nhà thiên văn học Hy Lạp Hipparchus, người được cho là cha đẻ của môn lượng giác, Windberger cho biết. "Plimpton 322 có trước Hipparchus hơn 1000 năm. Điều này mở ra những khả năng mới cho nghiên cứu toán học hiện đại và cả ngành giáo dục toán".

"Có cả một kho tàng những bản khắc của người Babylon, nhưng đến nay mới chỉ một phần trong số chúng được nghiên cứu. Giới toán học chỉ vừa hiểu rằng nền toán học cổ đại nhưng hết sức tinh vi này còn ẩn chứa nhiều điều có thể dạy chúng ta", Windberger nhận xét.

Theo giới khoa học, cách người Babylon tiếp cận toán lượng giác, thể hiện qua Plimptom 322, là rất đặc biệt. Thay vì sử dụng hệ thập phân như chúng ta, họ lại lựa chọn hệ thập lục phân. Nhiều chuyên gia còn kì vọng rằng, việc nghiên cứu kỹ món cổ vật này có thể giúp chúng ta phát triển được một phương pháp tính lượng giác đơn giản và chính xác hơn so với cách làm hiện tại.

Cập nhật: 02/04/2019 Theo VnExpress
  • 43
  • 4.411