Một nông dân ở Hòa Bình vừa bắt con cá lạ có hình thù kỳ dị. Chuyên gia hàng đầu về cá nước ngọt phỏng đoán đó có thể là họ cá lóc Ophicephalidae.
Anh Bùi Văn Nguyện, ở xóm Đon, xã Mỹ Hoà, huyện Tân Lạc trong lúc bơm nước suối, phát hiện thấy con cá kỳ lạ nằm dưới bùn.
"Cá rất khỏe nên tôi gọi thêm 2 người hàng xóm tới bắt, 30 phút sau chúng tôi mới đưa con cá lên được", anh Nguyện kể lại.
Con cá lạ tìm thấy ở Hòa Bình. (Ảnh: Báo Hòa Bình).
Cá thuộc loại da trơn có đầu giống con rắn, mình và đuôi như con cá trạch. Con cá trên dài 1,14m, nặng 4,2kg. Điều lạ là nó có lưỡi giống như lưỡi lợn, theo Báo Hòa Bình.
Nhiều người dân ở xóm Đon cho biết từ trước đến nay chưa bao giờ thấy con cá hình thù như vậy. Họ nghi ngờ đó là giống cá Lược.
Tiến sư Ngư loại học Nhezdoli B.K của Trung tâm nhiệt đới Việt Nga khi xem bức ảnh trên rất ngạc nhiên vì lần đầu ông nhìn thấy con cá. Tuy nhiên, vị chuyên gia hàng đầu thế giới về cá nước ngọt phỏng đoán, con cá trên có thể thuộc họ cá lóc Ophicephalidae.
"Muốn xác định tên và giống loài cần có mẫu cụ thể", ông Nhezdoli B.K nói.
Họ cá lóc sống chủ yếu ở tầng đáy, phân bố ở hầu hết các ao hồ, sông suối ở Việt Nam. Họ này có hai chi là Channa được biết đến với 29 loài và Parachanna hiện biết có 3 loài ở châu Phi. Ở Việt Nam chủ yếu là Channa maculata và Channa argus.
Theo Wikipedia, đầu cá lóc Channa maculata có đường vân giống như chữ "nhất" và hai chữ "bát" còn đầu cá Channa argus tương đối nhọn và dài giống như đầu rắn. Đầu của chúng bẹt so với thân, vảy tạo vân màu nâu xám xen lẫn với những chỗ màu xám nhạt, lưng có màu đen ánh nâu.