Trang Interesting Engineering cho biết các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Hành vi động vật Max Planck (MPI-AB) và Đại học Konstanz tiến hành đo nhịp tim loài dơi khi bay trong tự nhiên nhằm tìm hiểu nhu cầu năng lượng và chiến lược sinh tồn của chúng.
Họ gắn máy đo nhịp tim siêu nhỏ chỉ nặng 0,8 gram lên nhiều cá thể dơi noctule đực (phổ biến ở châu Âu). Tín hiệu âm thanh về nhịp tim được ghi nhận bởi thiết bị thu, do phạm vi ghi nhận hạn chế nên các nhà khoa học phải ở gần đàn dơi khoảng vài trăm mét.
Khi bay, nhịp tim dơi tăng lên đến 900 nhịp/phút (bpm).
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Lara Keicher (Đại học Konstanz) cho biết vào ban ngày dơi nghỉ ngơi nên hoạt động đo nhịp tim chẳng gặp khó khăn gì, nhưng đến đêm chúng bay đi săn côn trùng xa đến vài km, vì vậy nhóm theo dõi phải ngồi máy bay nhỏ di chuyển theo. Chuyến kiếm ăn có thể kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Công sức của họ được đền đáp bằng dữ liệu nhịp tim suốt chuyến bay dài, cho thấy cách dơi quản lý mức tiêu thụ năng lượng suốt cả ngày cũng như qua các mùa khác nhau.
Nhịp tim dơi tăng lên đến 900 nhịp/phút (bpm) khi bay – cao đến mức Keicher mô tả giống như “âm thanh cao độ đập vào tai”. Tuy nhiên nhịp tim nhanh được cân bằng bởi chiến lược giảm tiêu thụ năng lượng.
Một trong số khám phá quan trọng là dơi tận dụng “cơn buồn ngủ” vào mùa xuân. Trạng thái ngủ ban ngày ngắn cho phép chúng giảm nhịp tim xuống chỉ còn 6 bpm, tiết kiệm năng lượng đáng kể.
Vào mùa hè dơi đực lại không ngủ ngắn. Thời tiết ấm áp khiến thức ăn trở nên dồi dào, chúng thức suốt ngày để dùng năng lượng tạo tinh trùng sẵn sàng giao phối với dơi cái.
Mùa hè cũng ghi nhận dơi hoạt động tích cực hơn: săn mồi lâu gấp đôi và ăn nhiều hơn so với mùa xuân. Trong một đêm có thể ăn tới hơn 2.500 con muỗi hoặc 33 con bọ lục.
Loạt phát hiện trên cung cấp hiểu biết về thách thức trong tiêu thụ năng lượng của dơi cũng như cách chúng giải quyết. Hiểu biết này giúp dự đoán cách loài dơi ứng phó với tình trạng nhiệt độ thay đổi lớn và thiếu hụt thức ăn gây ra bởi biến đổi khí hậu, cũng như hỗ trợ nỗ lực bảo tồn các loài thụ phấn lẫn loài ăn côn trùng.