Bật mí công nghệ đằng sau bộ giáp Nanosuit

  •  
  • 4.075

Bộ giáp có khả năng tăng cường sức mạnh của người lính, tăng khả năng chịu sát thương từ bom đạn, thậm chí nó còn có thể trở nên tàng hình.

Công nghệ thực sự đằng sau bộ giáp Nanosuit

Nếu đã từng chơi qua series game Crysis, chắc chắn bạn sẽ biết đến bộ giáp Nanosuit vô cùng bá đạo trong game. Bộ giáp có khả năng tăng cường sức mạnh của người lính, tăng khả năng chịu sát thương từ bom đạn, thậm chí nó còn có thể trở nên tàng hình.

Những công nghệ tưởng chừng như chỉ có trong game, nhưng các nhà khoa học quân sự đang nghiên cứu để biến chúng trở thành sự thực. Nếu có thể chế tạo ra những bộ giáp Nanosuit, nhưng người lính trên chiến trường sẽ có một ưu thế vô cùng lớn trước kẻ thù. Thậm chí là bất khả chiến bại.

Bật mí công nghệ đằng sau bộ giáp Nanosuit

Chiến tranh V2.0

Sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt, chiến tranh đã thay đổi. Các cường quốc bắt đầu nghiên cứu và chế tạo những loại vũ khí tối tân hơn, để có thể tạo ra ưu thế trên chiến trường. Trong đó, sự có mặt của những người lính trên chiến trường là không thể thiếu. Do đó, những công nghệ quân sự hỗ trợ người lính tương lai rất được chú trọng phát triển.

Những công nghệ và thành tựu khoa học tiên tiến nhất đều được áp dụng vào quân sự, trong đó có công nghệ nano. Một công nghệ mới phát triển, nhưng có rất nhiều tiềm năng để tạo ra những loại siêu vật liệu chỉ có trong khoa học viễn tưởng.

Bật mí công nghệ đằng sau bộ giáp Nanosuit
Bộ giáp Nanosuit có những khả năng vô cùng đáng sợ.

Bộ giáp Nanosuit có thể trở thành hiện thực cũng dựa vào công nghệ nano hiện nay. Những khả năng bá đạo của bộ giáp trong game hoàn toàn có thể được các nhà khoa học quân sự trang bị cho người lính tương lai.

Bộ giáp siêu bền, siêu nhẹ

Bằng công nghệ nano, các nhà khoa học đã tạo ra loại siêu vật liệu Graphene. Đây là loại siêu vật liệu với độ cứng gấp 100 lần thép, nhưng chỉ nhẹ bằng 1/1000. Các tấm vật liệu Graphene này có thể cuộn lại thành các ống nano carbon với độ bền cao hơn nhiều lần nữa.

Bật mí công nghệ đằng sau bộ giáp Nanosuit
Siêu vật liệu Graphene rất thích hợp để làm tấm nền của bộ giáp Nanosuit.

Các ống này có thể được kéo thành sợi với độ linh hoạt cao giống như sợi vải và có thể dệt lại thành tấm. Các tấm được dệt từ ống nano carbon này thậm chí có độ cứng còn cao hơn cả kim cương. Do đó, nó đã được nghiên cứu và áp dụng để chế tạo áo chống đạn cho cảnh sát.

Đây thực sự là loại vật liệu thích hợp nhất để dệt nên tấm nền của bộ giáp Nanosuit.

Khả năng chống chịu cả bom đạn

Nếu chỉ chống đạn thôi thì chưa đủ, vì trên chiến trường có rất nhiều loại vũ khí hạng nặng như súng phóng lưu, bom mìn hay thậm chí là cả tên lửa. Để người lính có thể sống sót trước những loại vũ khí này, bộ giáp Nanosuit cần có khả năng chống chịu bom đạn hạng nặng.

Trong game Crysis, nhân vật chính có thể kích hoạt chế độ bảo vệ của bộ giáp bằng một xung điện, khiến cho các phân tử bên trong thay đổi và biến bộ giáp thành tấm lá chắn vững chắc. Điều đó không hề viễn tưởng, bởi các nhà khoa học đã tìm ra cách biến nó thành hiện thực.

Bật mí công nghệ đằng sau bộ giáp Nanosuit
Loại gel D30 này có thể biến đổi từ thể lỏng thành lớp phủ hấp thụ lực rất tốt.

Vẫn là công nghệ nano, các nhà khoa học đã chế tạo ra một loại vật liệu có tên gọi là gel D30. Ở điều kiện bình thường nó là một chất lỏng hơi đặc sánh. Tuy nhiên nếu được kích thích bằng dòng điện, nó sẽ biến thành một lớp phủ hấp thụ lực tác động siêu tốt.

Do đó, đây chính là loại vật liệu cần thiết để phủ lên lớp graphen nền trong bộ giáp Nanosuit của những người lính tương lai.

Mạnh như Superman

Bên cạnh khả năng chống chịu thì bộ giáp Nanosuit còn cho người lính sức mạnh đặc biệt giống như Superman, khả năng bật nhảy siêu cao hay sức mạnh có thể đấm bay cả một chiếc xe hơi, hay nâng những vật có khối lượng hàng trăm kg.

Các nhà khoa học đã chế tạo ra được những bộ khung xương ngoài (Exoskeleton) hỗ trợ người lính. Nhưng chúng ta đang nói đến bộ giáp Nanosuit, chúng ta cần đi sâu vào cấp độ nguyên tử, vì những bộ xương Exoskeleton là quá cồng kềnh trên chiến trường.

Bật mí công nghệ đằng sau bộ giáp Nanosuit
Các bó cơ nano nhân tạo sẽ giúp người lính có sức mạnh như Superman.

Vậy làm thế nào các nhà khoa học quân sự có thể biến những người lính thành Superman? Câu trả lời chính là những sợi cơ nano nhân tạo. Những ống nano carbon có thể được xoắn lại để thành thành những bó sợi lớn hơn.

Dưới tác động của nhiệt hoặc dòng điện, các bó sợi này có thể siết chặt vào nhau với sức mạnh gấp 200 lần cơ bắp con người. Về cơ bản thì nó cũng giống như một bộ giáp Exoskeleton, nhưng được tạo thành từ các bó cơ nhân tạo. Giúp người lính có sức mạnh nâng được những vật hàng trăm kg.

Công nghệ tàng hình

Bá đạo nhất và có lẽ là viển vông nhất, chính là khả năng tàng hình của bộ giáp Nanosuit. Chúng ta có máy bay tàng hình, xe tăng tàng hình, nhưng chúng vẫn nhìn thấy được bằng mắt thường và chỉ tàng hình trên radar. Còn với một bộ giáp có thể tàng hình theo đúng nghĩa đen, điều đó có vẻ như là bất khả thi.

Tuy nhiên các nhà khoa học luôn thích biến những điều không thể thành có thể. Đã từng có những nghiên cứu tại Nhật Bản, với việc tạo ra một chiếc áo tàng hình bằng cách sử dụng máy quay ở phía sau và chiếu hình ảnh lên mặt áo phía trước. Mặc dù nó không thực sự hiệu quả nhưng phần nào giúp chúng ta có hy vọng và hướng đi trong việc tạo ra những bộ giáp tàng hình.

Bật mí công nghệ đằng sau bộ giáp Nanosuit
Trở nên vô hình ngay trước mặt kẻ thù.

Một phương pháp khác là bẻ cong ánh sáng bằng các loại siêu vật liệu, tuy nhiên phương pháp này cũng chưa có kết quả.

Vậy câu trả lời cho bài toán bộ giáp tàng hình này là gì? Đó là cơ chế đổi màu của các loài động vật như bạch tuộc hay tắc kè hoa. Các nhà khoa học đã học tập những loài vật này để tìm ra một phương pháp khả thi nhất.

Phương pháp này sử dụng một loại vật liệu có thể thay đổi màu sắc tùy theo ánh đèn chiếu bên dưới lớp áo. Với các cảm biến, các đèn chiếu này sẽ có nhiệm vụ thay đổi màu sắc của lớp áo bên ngoài để giống với môi trường xung quanh nhất.

Bật mí công nghệ đằng sau bộ giáp Nanosuit
Các chấm lượng tử nano này sẽ thay đổi màu sắc giống mới môi trường.

Chuyện gì xảy ra khi công nghệ này được áp dụng ở cấp độ phân tử? Các bóng đèn sẽ là các chấm lượng tử nano. Đây là các phân tử của chất bán dẫn kim loại có khả năng hấp thụ và phát ra ánh sáng với bước sóng khác nhau (màu sắc khác nhau).

Hãy thử tưởng tượng hàng triệu chấm lượng tử nano này, bề mặt của bộ giáp hoàn toàn có thể thay đổi màu sắc để phù hợp với môi trường xung quanh.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi bộ giáp Nanosuit xuất hiện

Đó sẽ là ưu thế rất lớn đối với quốc gia nào sở hữu được công nghệ này, mặc dù chặng đường này vẫn còn rất dài. Nhưng nếu sơ hữu được các chiến binh với bộ giáp Nanosuit, phần thắng đã chắc chắn nằm trong tay.

Mặc dù vậy, công nghệ quân sự vẫn tiếp tục phát triển và bộ giáp Nanosuit vẫn chưa phải thứ vũ khí đáng sợ nhất trên chiến trường trong tương lai. Sẽ có những loại vũ khí còn khủng khiếp hơn được tạo ra, khi mà khoa học công nghệ ngày càng tiến bộ.

Theo genK
  • 4.075