Báu vật của Đông Nam Á: Loài động vật quý hiếm cả thế giới chỉ 9 nước có, Việt Nam vừa đón tin vui!

  •   42
  • 3.216

Loài động vật cực kỳ quý hiếm này chỉ sống ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Trong một thế giới mà việc tiêu thụ không bền vững của con người tiếp tục đẩy động vật hoang dã đến bờ vực tuyệt chủng, tê tê nổi lên như một trọng tâm trong nỗ lực cứu các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn trong tự nhiên.

 Hình ảnh một con tê tê đang ngáp ở Khu bảo tồn Khamab Kalahari, Nam Phi.
Hình ảnh một con tê tê đang ngáp ở Khu bảo tồn Khamab Kalahari, Nam Phi. (Nguồn: Workingwithwildlife).

Theo Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã quốc tế (WCS), hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp đem lại lợi nhuận lên đến 10 tỷ đô la Mỹ mỗi năm trên quy mô toàn cầu; trong khi đó hoạt động buôn bán gỗ bất hợp pháp có giá trị 7 tỷ đô la mỗi năm; gần 9,5 tỷ đô la mỗi năm là mức lợi nhuận khổng lồ từ buôn bán thủy sản trái phép.

Kết hợp những con số này, tất cả các hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, bao gồm cả nghề cá và gỗ, đã tạo nên hoạt động buôn bán bất hợp pháp lớn thứ 4 trên toàn thế giới sau ma túy, buôn người và hàng giả.

Nguyên nhân cốt lõi của nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp là nhu cầu ngày càng tăng đối với nhiều loại sản phẩm khác nhau trên toàn thế giới: Thịt rừng; nguyên liệu cho y học phương Đông truyền thống; vật nuôi kỳ lạ; đồ trang sức, đồ trang trí và phụ kiện như bộ cờ vua; lông thú cho nhiều mục đích sử dụng, từ áo khoác đến trang phục truyền thống...

Buồn thay cho loài tê tê!

Loài động vật ẩn dật, đơn độc, sống về đêm và có rất ít kẻ thù tự nhiên này đang bị chính loài người giết hại không thương tiếc để bào chế cái gọi là thuốc chữa được bách bệnh.

Chúng là loài động vật có vú duy nhất được bao phủ hoàn toàn bằng vảy và chúng sử dụng những chiếc vảy đó để bảo vệ mình khỏi những kẻ săn mồi trong tự nhiên. Các lớp vảy chồng lên nhau làm từ keratin – cùng loại protein cứng tạo nên móng tay của con người chúng ta. Những lớp vảy này hoạt động như một lá chắn gần như không thể xuyên thủng trước những kẻ săn mồi như sư tử, báo và linh cẩu. Khi bị đe dọa, tê tê sẽ cuộn tròn thành một quả bóng cực kỳ chặt, tạo thành một pháo đài bằng những lớp vảy cứng, sắc nhọn.

 Tê tê cuộn tròn mình trong tư thế phòng thủ.
Tê tê cuộn tròn mình trong tư thế phòng thủ. (Ảnh chụp tại Khu bảo tồn Khamab Kalahari/Workingwithwildlife).

Chắc hẳn ít người biết, mỗi con tê tê có khả năng tiêu thụ đủ số lượng mối để bảo vệ hơn 40 mẫu Anh đất khỏi bị phá hủy, rất quan trọng đối với sức khỏe của hệ sinh thái. Đổi lại, chính lớp giáp bảo vệ chúng lại là nguyên nhân khiến những con vật nhỏ bé này suy giảm nhanh chóng đến bờ vực tuyệt chủng. Tê tê trở thành loài động vật có vú hoang dã bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới, Tổ chức Cứu trợ Hoang dã WildAid (Mỹ) thông tin.

Có tất cả 8 loài tê tê trên thế giới. Cả 8 loài đều nằm trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) với phân hạng từ Cực kỳ nguy cấp/Đe dọa tuyệt chủng (CR) đến Nguy cấp cao (EN) và Bị đe dọa tuyệt chủng (VU). Cả 8 loài hiện đều được bảo vệ theo luật pháp quốc gia và quốc tế.

Bất chấp điều đó, nạn săn trộm tê tê lấy thịt và vảy vẫn hoành hành. Dù là ở châu Á hay châu Phi; dù là tê tê Java, tê tê vàng hay tê tê đất khổng lồ, tất cả đều bị săn tìm và giết hại.

Worldwildlife cho biết, từ năm 2011 đến năm 2013, ước tính có khoảng 116.990 đến 233.980 con tê tê đã bị giết, con số này chỉ là phần nổi của hoạt động buôn bán bất hợp pháp. Các chuyên gia tin rằng các vụ bắt giữ chỉ chiếm 10% số lượng thực tế của tê tê trong hoạt động buôn lậu của những tay săn trộm toàn cầu.

Vậy đâu là loài tê tê bị giết hại đến mức bên bờ tuyệt chủng nhất?

Tê tê Java - Báu vật ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam

Trong số 8 loài tê tê trên thế giới, tê tê Java (danh pháp khoa học: Manis javanica) được Sách Đỏ IUCN năm 2019 phân hạng CR - Cực kỳ nguy cấp/Đe dọa tuyệt chủng do quần thể loài này đã giảm 80% trong 21 năm qua.

[Còn 2 loài tê tê nữa cũng được Sách Đỏ IUCN phân hạng CR là tê tê Philippines (danh pháp khoa học: Manis Culionensis) và tê tê Trung Quốc (danh pháp khoa học: Manis pentadactyla). Tuy nhiên, khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập tập trung vào tê tê Java].

Tê tê Java là loài chỉ sống ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tê tê Java là loài chỉ sống ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tê tê Java - còn gọi là tê tê Sunda - là một trong 4 loài phân bố ở châu Á (4 loài còn lại phân bố ở châu Phi). Tê tê Java là loài chỉ có ở Đông Nam Á, sinh sống chủ yếu tại đất liền và hải đảo của 9 quốc gia Đông Nam Á. Cụ thể là ở Việt Nam (miền Trung và miền Nam), Myanmar (miền Trung), Thái Lan (Đông Nam), Lào (vùng đất thấp), Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia và Brunei.

Tổng chiều dài tính từ đầu đến đuôi của tê tê Java trưởng thành khoảng 75 - 121 cm, và trọng lượng đạt 10 kg. Con đực lớn hơn con cái.

IUCN cho biết, tê tê Java được liệt kê là loài nguy cấp ở Việt Nam. Tại ba khu vực của Việt Nam là Khu bảo tồn thiên nhiên Khe Nét (Quảng Bình); Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh); và Vườn quốc gia Sông Thanh (Quảng Nam), quần thể tê tê Java đã suy giảm nghiêm trọng do áp lực săn bắn trong vài thập kỷ qua, đặc biệt là kể từ khoảng năm 1990, khi hoạt động buôn bán tê tê bắt đầu leo thang để lấy thịt, máu, da và vảy.

Loài này được tìm thấy trong rừng nguyên sinh và thứ sinh, bao gồm rừng khộp đất thấp và các khu vực canh tác - bao gồm các đồn điền cọ dầu và cao su - và gần khu định cư của con người.

Giống như hầu hết các loài tê tê khác, tê tê Java chủ yếu hoạt động về đêm, sống đơn độc - ngoại trừ khi sinh sản - và là loài chuyên ăn kiến và mối. Người ta cho rằng loài này đóng vai trò trong việc điều chỉnh quần thể côn trùng. Ngoài ra, chúng cũng ăn ấu trùng kiến, nhộng ong, ruồi, giun, dế và các ấu trùng côn trùng khác, cũng như cát và cỏ.

 Tê tê Java là tay leo trèo và bơi lội tài ba.
Tê tê Java là tay leo trèo và bơi lội tài ba. (Ảnh: CC BY-SA 4.0).

Tê tê Java nổi tiếng với khả năng leo trèo và bơi lội khá giỏi. Chúng có vẻ thích nghi tốt với hệ sinh thái đất ngập nước, ví dụ như vùng đất ngập nước U Minh ở Việt Nam.

Với mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học động thực vật Đông Nam Á nói riêng, thế giới nói chung, các quốc gia có tê tê Java sinh sống nhất loạt được chính phủ, pháp luật bảo vệ.

Không chỉ vậy, tê tê Java nói riêng và loài tê tê nói chung đều được quốc tế bảo vệ. Năm 2016, một hiệp ước của hơn 180 chính phủ đã công bố một thỏa thuận nhằm chấm dứt mọi hoạt động buôn bán tê tê hợp pháp và bảo vệ loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) phối hợp cùng với Tổ chức phi chính phủ về vấn đề buôn bán động vật và thực vật hoang (TRAFFIC) vẫn đang nỗ lực bảo vệ các loài khỏi tội phạm động vật hoang dã.

Riêng tại Việt Nam, năm 2019, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 10/03/2019) trong đó xếp tê tê Java vào Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB.

Cùng với việc được pháp luật bảo vệ khỏi nạn săn trộm, buôn lậu, tê tê Java còn được các chuyên gia chăm sóc rồi thả về tự nhiên.

Tin vui mới nhận: Vào ngày 5/11/2024, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM phối hợp với Vườn quốc gia Phước Bình (tỉnh Ninh Thuận) thả 19 động vật hoang dã về môi trường tự nhiên, trong số đó có 1 chú tê tê Java quý hiếm.

Tất cả những nỗ lực không ngừng nghỉ này nhằm bảo vệ loài tê tê Java quý hiếm - báu vật của Việt Nam, Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung khỏi bờ vực tuyệt chủng!

Cập nhật: 08/11/2024 ĐSPL
  • 42
  • 3.216