Bên trong phòng thí nghiệm kính cường lực Gorilla Glass

  •  
  • 1.919

Phóng viên CNET đã đến thăm phòng thí nghiệm của một trong những nhà sản xuất kính màn hình nổi tiếng nhất hiện nay: Corning.

Để tìm hiểu về hai loại kính màn hình đình đám hiện nay, Gorilla Glass và Sapphire, chúng ta sẽ cùng "lục lại" những dữ kiện trong quá khứ.

Bên trong phòng thí nghiệm kính cường lực Gorilla Glass

Đầu tiên, Gorilla Glass được nghiên cứu và phát triển bởi Corning, công ty có tới 163 năm kinh nghiệm làm việc với kính. Corning cũng chính là nơi sản xuất ra những bóng đèn đầu tiên của Thomas Edison. Năm 2007, Gorilla Glass lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng trên chiếc iPhone 2G của Apple. Sau chặng đường 7 năm tồn tại và phát triển, tấm kính cường lực này giờ đây đã được sản xuất đến thế hệ thứ 3 và có mặt trên gần 2,7 tỷ thiết bị di động trên toàn thế giới.

Trong vài năm trở lại đây, vị thế của Gorilla Glass lại đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi một đối thủ, cũng được chính Apple giới thiệu và phát triển, mang tên gọi "Sapphire". Sapphire nổi bật với ưu thế là một chất liệu có độ cứng cao chỉ xếp sau kim cương. Sapphire đẹp hơn và có nhiều ưu thế khi dùng để chế tạo màn hình thiết bị di động.

Để biết rõ hơn về sự khác biệt cụ thể giữa hai lớp kính màn hình này, phóng viên trang báo công nghệ CNET đã có chuyến "viếng thăm" tới cơ sở thí nghiệm độ bền của Corning.

Bên trong phòng thí nghiệm kính cường lực Gorilla Glass

Trụ sở thí nghiệm của Corning là một toà nhà có kích cỡ khiêm tốn với thiết kế hòa trộn của hai màu xám và xanh. Phần lớn không gian quanh đây đều được quản lý chặt, khách tham quan phải ký thoả thuận để tránh tiết lộ thông tin của Corning ra ngoài.

Đi vào sâu một trong những phòng thí nghiệm chính, điều dễ nhận thấy là rất nhiều thiết bị được đặt dọc theo các bức tường trắng. Các nhân viên kỹ thuật đang thực hiện những công việc thử độ bền tấm kính như uốn cong, chọc thủng hay làm trầy xước.

Khi phỏng vấn các nhân viên kỹ thuật, các phóng viên được biết thêm về yếu tố tạo nên sự thành công của Corning. Công ty thường tiến hành thử nghiệm với các triết lý thiết kế khác nhau để đảm bảo sản phẩm có chất lượng cao nhất khi xuất xưởng. Nhờ đó, hãng có thể đón đầu và thích nghi với tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt của thế giới công nghệ.

Bên trong phòng thí nghiệm kính cường lực Gorilla Glass
Trong Corning Lab có các thiết bị tối tân để tiến hành nghiên cứu và thí nghiệm các tấm kính

Các phóng viên đã được Kevin Reiman, nhà khoa học của Corning và cũng là hướng dẫn viên cho buổi tham quan, lấy ra và giới thiệu về một mảnh thuỷ tinh nhỏ hình vuông dày khoảng 0,5mm sử dụng chất liệu Sapphire tổng hợp.

Bên trong phòng thí nghiệm kính cường lực Gorilla Glass

Sau đó, Kevin đã tiến hành các thí nghiệm với tấm Sapphire này. Đầu tiên, ông đem nó ra chà nhẹ với giấy nhám. Thật bất ngờ, mảnh kính vẫn còn nguyên vẹn, không có một vết xước nhỏ nào sau khi bị chà. Song, khi Reiman đặt tấm Sapphire này lên bàn và ép chặt bằng những thanh kim loại (có kích thước như chiếc bút chì) thì nó đã vỡ tan thành nhiều mảnh nhỏ.

Để so sánh sự khác nhau giữa 2 tinh thể, đoàn phóng viên đã được đưa cho một mảnh thủy tinh có hình dáng và kích thước tương tự, chỉ khác chất liệu là được làm bằng Gorilla Glass. Kết quả đã cho thấy một sự đối lập hoàn toàn. Với bài kiểm tra giấy nhám, tấm kính Gorilla Glass bị xước nhiều hơn, song nó lại thể hiện độ bền cao hơn khi hoàn toàn vô sự dưới sức ép của những thanh kim loại.

Bên trong phòng thí nghiệm kính cường lực Gorilla Glass

Theo Remain, khác với Sapphire, tinh thể Gorilla Glass không dễ dàng bị phá vỡ và vẫn giữ được cấu trúc vững chắc dù cho có bị xước hay hỏng ở mặt ngoài. Tuy Sapphire có độ cứng ấn tượng hơn và khó bị xước dưới nhiều tác động, song chúng lại khá mỏng manh, dễ vỡ nếu được sử dụng để làm kính bảo vệ cho các thiết bị di động.

Không phải đơn giản mà Corning có thể thành công và tồn tại lâu đến như vậy. Hãng luôn không ngừng đầu tư, nghiên cứu và phát triển. Corning nghiên cứu nguyên nhân hình thành các vết nứt, từ đó đưa ra các giải pháp để cải thiện để các tấm kính thế hệ sau trở nên kiên cố, vững chắc hơn.

Bên trong phòng thí nghiệm kính cường lực Gorilla Glass

Gorilla Glass hiện vẫn đang dẫn đầu thị trường kính màn hình thiết bị di động (với 80% thị phần). Nhưng hiện nay, ngoài sự đe dọa từ đối thủ Sapphire, Gorilla Glass cũng đang phải hứng chịu sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các mẫu kính mới như Asahi Glass của Dragontrail, Nippon Electric Glass từ Nhật Bản, Schott của Đức hay KMTC của Trung Quốc.

Theo nhiều nhà phân tích dự đoán thì kính Sapphire sẽ là tương lai của các thiết bị công nghệ. Vật liệu này đã và đang dần được đưa vào các thiết bị công nghệ, tuy nhiên hiện Sapphire mới chỉ được dùng để làm kính chắn Camera hay nút Home trên iPhone. Do đó, các nhà nghiên cứu vẫn còn phải nỗ lực trong một khoảng thời gian dài hơn nữa thì mới có thể đưa Sapphire thay thế được Gorilla Glass.

Theo Vnreview, CNET
  • 1.919