Đan Mạch và Đức sẽ sớm được nối với nhau bằng một đường hầm dưới nước dài 18km. Dự án dự kiến được hoàn thành năm 2029.
Sau hơn một thập kỷ lên kế hoạch, quá trình thi công đường hầm Fehmarnbelt bắt đầu vào năm 2020, nhiều tháng sau khi hoàn thành một cảng tạm thời bên phía Đan Mạch. Đây sẽ nơi đặt nhà máy dùng để xây dựng 89 đoạn khổng lồ bằng bê tông cấu thành đường hầm, CNN hôm 20/9 đưa tin.
Nhà máy bên phía Đan Mạch sẽ lắp ráp 89 đoạn đường hầm. (Ảnh: Femern A/S)
"Theo dự kiến, dây chuyền sản xuất đầu tiên sẽ sẵn sàng vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau", Henrik Vincentsen, giám đốc điều hành Femern A/S, công ty Đan Mạch phụ trách dự án. "Đầu năm 2024, chúng tôi sẽ sẵn sàng nhấn chìm đoạn đường hầm đầu tiên".
Đường hầm dài 18km là một trong những cơ sở hạ tầng lớn nhất châu Âu với ngân sách hơn 7 tỷ USD. So với đường hầm Fehmarnbelt, đường hầm eo biển Manche dài 50km nối Anh và Pháp hoàn thành vào năm 1993, tiêu tốn 13,6 tỷ USD theo tỷ giá hiện nay. Dù dài hơn đường hầm Fehmarnbelt, đường hầm eo biển Manche được xây bằng máy đào hầm thay vì nhúng chìm các đoạn đường hầm sản xuất từ trước.
Đường hầm mới sẽ chạy qua Fehmarn Belt, eo biển nằm giữa đảo Fehmarn của Đức và đảo Lolland của Đan Mạch, được thiết kế nhằm thay thế dịch vụ phà hiện nay từ Rødby và Puttgarden, vốn đang chở hàng triệu hành khách mỗi năm. Thay vì mất 45 phút để đi qua eo biển bằng phà, thời gian di chuyển sẽ rút ngắn xuống 7 phút bằng tàu và 10 phút bằng xe hơi. Có tên gọi chính thức Fehmarnbelt Fixed Link, đây cũng là đường hầm kết hợp đường sắt và đường bộ dài nhất thế giới. Công trình sẽ bao gồm hai đường cao tốc hai làn, ngăn cách bởi một hành lang dịch vụ và hai đường ray tàu điện.
"Hiện nay, nếu đi tàu từ Copenhagen tới Hamburg, bạn sẽ mất khoảng 4,5 giờ", Jens Ole Kaslund, giám đốc kỹ thuật ở Femern A/S, nói. "Khi đường hầm hoàn thành, cùng một hành trình chỉ kéo dài 2,5 giờ. Rất nhiều người đi máy bay giữa hai thành phố, nhưng trong tương lai đi tàu sẽ tốt hơn".
Ngoài lợi ích đối với tàu và xe chở khách, đường hầm cũng có tác động tích cực tới tàu và xe tải chở hàng do tạo ra lộ trình đường bộ giữa Thụy Điển và Trung Âu với độ dài ngắn hơn 160km so với hiện nay.
Siêu dự án có giá trị lên tới 10 tỷ euro, trong đó Liên minh châu Âu đóng góp 1,1 tỷ euro.
Để xây dựng đường hầm, người ta đã phải lắp ráp ở độ sâu 40 m dưới biển Baltic bằng cách sử dụng 89 phần bê tông khổng lồ. Chúng sẽ được xây dựng sẵn trên đất liền và sau đó được hạ xuống nước bằng cần cẩu. Femern A/S, công ty nhà nước của Đan Mạch phụ trách dự án, hy vọng họ sẽ sẵn sàng chuyển một phần đầu tiên của dự án vào năm 2024.
Hình ảnh trực quan về cách xây dựng bê tông khi chuyển xuống nước. (Ảnh: Femern A/S).
Sau khi chúng được đặt đúng vị trí, các phần bê tông sẽ được lắp vào với nhau và các yếu tố khác như đường ray xe lửa, hệ thống thông gió và camera sẽ được lắp đặt. Một số nhóm môi trường đã lo ngại về tác động của đường hầm đối với động vật hoang dã ở vành đai Fehmarn - một khu vực được EU bảo vệ.
Tuy nhiên, công ty Fermern A/S nói rằng đường hầm sẽ gia tăng tăng công suất, giảm tắc nghẽn trên mạng lưới đường sắt và đường bộ ở Đan Mạch. Doanh nghiệp này cũng tuyên bố dự án sẽ giúp tiết kiệm đáng kể về mặt thời gian, năng lượng, nhiên liệu và lượng khí thải CO2.