Sinh ra khỏe mạnh, bình thường, nhưng lớn lên thì khuôn mặt những đứa trẻ này bỗng nhiên sưng tấy, xuất hiện chi chít mụn và khô ráp như da cóc.
Thượng Cửu có đến bảy đứa trẻ mắc bệnh lạ, năm cháu trong số đó đã không thể tiếp tục chống chọi với căn bệnh vô phương cứu chữa này.
Ngôi nhà cũ nát của bà Hà Thị Bén nằm cạnh bìa rừng thuộc xóm Mặc, xã Thượng Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ngay chính diện ngôi nhà là bàn thờ với di ảnh của ba người còn rất trẻ. Ngồi ở mép giường, bà Bén với thân hình xanh xao, đôi mắt mờ đục, nấc nghẹn kể về hoàn cảnh éo le của gia đình mình.
Bà Bén mong sớm tìm ra nguyên nhân bệnh của các cháu để chạy chữa.
Tròn ba năm trước, người con trai thứ 10 của bà chẳng may đột tử do bị điện giật, bỏ lại người vợ trẻ và ba đứa con nheo nhóc đều mang trong mình căn bệnh lạ. Sau khi con mất, bà chuyển về ở cùng con dâu để tiện hương khói cho con trai và chăm sóc các cháu.
Một tháng sau, đứa cháu nội của bà bỗng qua đời khi những vết mụn lở loét đã ăn sâu vào cơ thể. Nỗi đau mất con, mất cháu chưa kịp nguôi ngoai thì tháng Giêng năm 2015, người con dâu hiếu thảo của bà cũng ra đi vì căn bệnh ung thư máu quái ác. Vậy là, trong ba năm, gia đình bà có ba người chết trẻ.
Ôm cháu Hà Thị Cúc (4 tuổi) và Hà Thị Mai Nương (10 tuổi) trong lòng, bà hướng mắt nhìn xa xăm, hai hàng lệ chảy dài. “Từ khi bố mẹ cháu mất, tôi dặn mình dù khó khăn đến mấy cũng phải cố gắng nuôi hai cháu ăn học, thành người. Thế nhưng ông trời như trêu ngươi, hai cháu càng lớn thì càng có biểu hiện lạ, giống với đứa cháu đã mất cách đây ba năm. Người chúng nó nổi đầy nốt đen sạm, đóng vảy khô ráp và sần sùi như da cóc. Ban đầu, da nó nổi mụn từ mặt sau đó lan dần sang chân tay và khắp người”, bà Bén kể.
Càng lớn, các vết mụn càng lan rộng lên khắp mặt và người cháu Hà Thị Mai Nương (10 tuổi).
Nhắc về chứng bệnh lạ ở cả ba đứa cháu nội của mình, bà Bén cho hay: “Lúc bố mẹ cháu còn sống, chúng có đưa con xuống bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thăm khám nhưng bác sỹ không nói rõ bệnh gì, chỉ bảo là bệnh ngoài da, khó chữa. Họ chỉ cho hai lọ thuốc (một bôi, một uống) về dùng. Nhưng sau một thời gian, bệnh vẫn không thuyên giảm.
Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, phải chạy ăn từng bữa nên bố mẹ nó cũng không tính đến chuyện cho các cháu đi thăm khám, chữa bệnh nữa. Vào những ngày nắng, những nốt đen nổi càng nhiều, ngứa ngáy. Những lúc như thế, tôi cũng chỉ biết lấy lá cây rừng về tắm cho các cháu dịu bớt cơn ngứa. Nhìn các cháu còn nhỏ mà phải đau đớn với căn bệnh quái ác, lòng tôi đau xót như xát muối vào ruột”.
Suốt cuộc trò chuyện, bà Bén luôn miệng khẩn khoản mong y học sẽ sớm xác định bệnh tình hai cháu kém may mắn của bà để chúng có cơ hội chữa trị và đến trường như bao đứa trẻ khác…
Ông Hà Văn Rầm (Trưởng xóm Mặc, xã Thượng Cửu) cho biết: “Hai cháu của bà Bén là Hà Thị Cúc và Hà Thị Mai Nương có những biểu hiện bệnh tật giống hệt như mấy cháu trước đây bị bệnh trong xã đã qua đời. Vết lở loét không chỉ tàn phá khuôn mặt các cháu nhỏ mà nó còn lan xuống cổ và khắp cơ thể. Gia đình có người bệnh chạy chữa khắp mọi nơi từ đắp lá cây rừng, đến mời thầy cúng, uống thuốc Tây đều không có tác dụng”.
Trao đổi với PV về trường hợp bệnh của hai cháu Hà Thị Mai Nương (10 tuổi) và Hà Thị Cúc (4 tuổi), ông Hà Văn Nhận, Chủ tịch UBND xã Thượng Cửu cho biết: “Từ năm 1986 đến nay, trong xã Thượng Cửu có tới bảy trường hợp bị căn bệnh lạ này. Hiện tại, năm cháu đã qua đời chỉ còn lại hai cháu nói trên nhưng bệnh tình ngày càng nặng. Khi sinh ra, các cháu đều trắng trẻo, khỏe mạnh bình thường, thế nhưng từ ba tháng tới một tuổi là bắt đầu phát bệnh. Các mụn đen xuất hiện từ mặt xuống cổ, rồi lan ra toàn thân, càng ngày càng dày đặc. Ở giai đoạn cuối thì các nốt mụn lở loét, sùi khắp mặt mũi, chân tay. Có trường hợp mang con đi chữa chạy, nhưng không qua khỏi”.
Ông Nhận cũng cho biết thêm: “Hoàn cảnh của gia đình cụ Bén khó khăn, địa phương cũng chỉ biết hỗ trợ tiền chính sách cho mỗi cháu 180.000 đồng/tháng. Bà con lối xóm thỉnh thoảng vẫn góp lương thực giúp bà Bén chăm hai cháu. Còn việc vận động quyên góp tiền đưa các cháu đi chữa bệnh thì người dân miền núi trên này nghèo quá nên bất lực. Địa phương rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của ngành Y tế và các mạnh thường quân để giúp hai cháu có cơ hội được sống”.