Bệnh về đường hô hấp mùa hè: bảo vệ thế nào là tốt?

  •  
  • 1.202

Mùa hè, thời tiết nóng nực, các bệnh liên quan đến đường hô hấp có xu hướng tăng cao... Vậy nên chăm sóc trẻ thế nào tốt nhất?

Tránh gió là "nuôi"... vi khuẩn

Nên cho trẻ tắm ở nơi kín gió và không dùng nước lạnh
Nên cho trẻ tắm ở nơi kín gió và không dùng nước lạnh (Ảnh: dnugent)
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, một quan niệm sai lầm của các bậc phụ huynh trong chăm sóc trẻ bị cảm sốt, viêm họng, viêm phổi trong ngày nắng nóng là “tránh gió triệt để”, 3-4 ngày liền không tắm rửa cho trẻ. Vào mùa hè, Bệnh viện Nhi trung ương thường tiếp nhận trẻ bị biến chứng viêm tai giữa, viêm màng não mủ mà nguyên nhân ban đầu là... viêm họng.

Trẻ bị viêm họng kèm sốt, các phụ huynh “cẩn thận” tìm mọi cách tránh nắng, tránh gió, không tắm cho trẻ làm nguy cơ nhiễm khuẩn tăng cao. Trời nóng, cơ thể không được vệ sinh sạch sẽ là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. 

Việc tắm nước lạnh vào mùa hè thực tế không phải là phương án tốt cho sức khỏe. Đi từ ngoài trời nắng nóng về nhà, cảm giác cơ thể đang trong trạng thái ngột ngạt, oi bức mà vội dội nước lạnh lên người sẽ làm mạch máu thu lại, nhiệt độ cao đáng lý phải được thải ra ngoài lại “gom” ngay vào trong cơ thể dễ dẫn đến cảm sốt. Do đó, trẻ cần được tắm nơi kín gió, tuyệt đối không được dùng nước lạnh tắm cho trẻ.

Không để nhiệt độ quá thấp

Thống kê mô hình bệnh tật ở trẻ em trên toàn quốc cho thấy bệnh nhiễm khuẩn đứng hàng đầu. Trong đó, viêm đường hô hấp chiếm tỉ lệ lớn nhất và nguyên nhân “đầu bảng” dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp là do siêu vi trùng (virus cúm, Adeno virus...).

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị dứt điểm bệnh hô hấp do siêu vi trùng, nên vấn đề quan trọng là tiêm phòng đầy đủ (văcxin cúm A) và cách ly bệnh nhân khi phát hiện nhiều trẻ cùng bị bệnh tại một khu dân cư hay trong phạm vi một lớp học, một trường học.

Thông thường, nhiệt độ ngoài trời mùa hè là 35-36oC, thậm chí nhiệt độ có ngày còn cao hơn. Nếu để nhiệt độ máy điều hòa quá thấp sẽ tác động trực tiếp đến bộ phận điều hòa thân nhiệt trên não. Từ môi trường 21- 22oC ra ngoài nắng nóng, mạch máu nở ra ngay, tim phải hoạt động mạnh hơn để điều hòa máu.

Máu không điều phối kịp sẽ dẫn đến thiếu máu, phổ biến nhất là thiếu máu ở não, tim, gây hiện tượng sốc, ngã. Riêng với trẻ sơ sinh, cần rất nhiều nhiệt để ủ ấm cơ thể. Mùa hè hay mùa đông thì nhiệt độ lý tưởng trong phòng trẻ sơ sinh vẫn là 27-30oC. Nhiệt độ trong phòng thấp hơn biên độ cho phép sẽ dẫn đến hiện tượng phù cứng bì ở trẻ.

Thực tế, ngay dưới bề mặt da của trẻ sơ sinh có tồn tại loại axit béo cần nhiệt độ từ 27oC trở lên để tan ra, ở nhiệt độ thấp nó đông vón lại gây phù cứng bì. Do đó, trẻ sẽ không trao đổi chất được, có thể dẫn đến tử vong. Khi ngủ, trẻ hay đạp chăn, nên nhà có trẻ nhỏ, nhiệt độ trong phòng tối ưu là 27oC, giúp trẻ tránh bị viêm họng, cảm, sốt, ảnh hưởng lâu dài đến phế quản, phổi sau này.

NGỌC HÀ

Theo Tuổi trẻ online
  • 1.202