Kiến trúc La Mã, cùng kiến trúc Hy Lạp đã tạo nên những “cái chuẩn” mà đời sau tiếp tục sử dụng lâu dài, như Marx đã viết: “Không có Hy Lạp và La Mã cổ đại, sẽ không có châu Âu hiện tại”.
Đấu trường Colisée ở Roma khởi công vào năm 72 sau Công Nguyên (vào các đời vua Vespasien và Tittus), là một công trình vật chất nhưng phản ảnh rất đầy đủ đời sống tinh thần của người La Mã Cổ đại. Công trình có dạng hình elíp với chu vi 527m, được chia làm bốn phần đối xứng bởi hai trục dài và ngắn, trục dài có kích thước 188m, trục ngắn có kích thước 156m.
Công trình có dạng hình elíp với chu vi 527m.
Khán đài hình elíp của đấu trường Colisée được nâng cao dần lên, tổ chức theo kiểu nền dốc bậc Amphitheatre và chứa được 50.000 người trong đó có 45.000 chỗ ngồi và 500 chỗ đứng. Hàng khán giả đầu tiên cao hơn bãi đấu 5m để bảo đảm an toàn cho người xem, còn hàng khán giả cuối cùng có độ cao tương đương với 5 tầng nhà. Số dãy ghế chạy vòng tròn từ dưới lên trên có tới 60 hàng, chia làm 5khu vực theo chiều cao, riêng rẽ thoát người vào những lối ra và cầu thang của mình. Toàn bộ công trình có 80 lối thoát như vậy, trong khi đó, nhà Vua có lối ra vào riêng gắn với đường ngầm dưới đất, đảm bảo đường đi lại ngắn giữa chỗ ngồi danh dự trên khán đài với cung điện Hoàng gia. Dưới khán đài có những hệ thống không gian dành cho việc nghỉ ngơi, chạy vòng tương ứng với ba tầng nhà.
Hình thức mặt bằng của đấu trường Colisée được phản ánh trung thực trên mặt đứng, toàn bộ công trình cao 48m, chỉ có 3 tầng dùng kết cấu cuốn đá, từ dưới lên trên dùng các thức cột Dôrich, Iônic và Coranh, chuyển từ nặng đến nhẹ dần, sau đó thêm một tầng thứ tư nữa dùng mảng đặc là chính, thỉnh thoảng trổ cửa sổ nhỏ và trang trí cờ xí để phù hợp với không khí của ngày hội.
Công trình có phong cách hùng vĩ nhờ ở kích thước to lớn và vẻ khoa trương của các vòm cuốn từ các tầng. Các chi tiết kiến trúc cũng được chú ý để tạo nên không khí kịch tính trong trường đấu. Bãi đấu bên trong là một hình chữ nhật có kích thước 86x64m.
Đấu trường Colisée có hệ thống kết cấu hoàn thiện, hệ tường cột chạy vòng quanh mặt đứng công trình tạo nên 80 cái vòm cuốn đá cùng với hệ thống tường ngang hình rẻ quạt - 80 bức cả thảy - đỡ toàn bộ khán đài và các sàn tầng của công trình. Không chỉ là hệ thống kết cấu hợp lý mà còn cách tuyển chọn vật liệu đã chứng tỏ người La Mã Cổ đại nắm vững một số kỹ thuật xây dựng quan trọng. Hình thức kết cấu ở mặt ngoài đấu trường đã sử dụng hai yếu tố cuốn và cột thức rất thành công.
Tuy ngày nay đấu trường Colisée không còn được nguyên vẹn, một phần đã bị mất đi, nhưng vị trí và ý nghĩa của nó đối với Roma thì không suy chuyển.
"Ngôi đền của mọi vị thần" được xây dựng vào năm 120 – 124 sau CN dưới triều vua Hadrianus. Hình thức và quy mô ngôi đền vượt lên tất cả các đền đài có trước đó.
Đền Pantheon xứng đáng là đỉnh cao của tư duy kỹ thuật thời La Mã cổ đại.
Tòa nhà có khối chính hình tròn, mái hình bán cầu lợp bằng một loại đá nhẹ. Đường kính mái 43,2m, đúng bằng chiều cao tòa nhà. Độ lớn của bán cầu này vượt lên mọi loại mái vòm của các công trình được làm từ trước và sau đó gần 20 thế kỷ (tới tận thế kỷ XIX). Tường nhà rất dày (6,3m) với nhiều hốc, vòm ở phần dưới, nhưng khi lên cao thì mỏng dần.
Từ đáy vòm trở xuống nhà được chia làm 2 tầng. Tầng dưới cao 13m dùng hàng cột thức Corinth. Tầng trên cao 8,7m chỉ dùng các mảng tường nảy trụ làm bằng đá cẩm thạch. Những mảng tường nảy trụ này hợp làm một với 5 hàng ô cờ được khoét lõm trên vòm trần (gọi là kêxon) tạo nên cảm giác nhẹ nhàng, thư thái. Vòm mái được kết thúc bằng một lỗ tròn đường kính 8,92m - một giải pháp chiếu sáng gây được ấn tượng rất mạnh cho con người trong một không gian cao lồng lộng. Khác với loại đền Hy Lạp - La Mã thông thường (chỉ là chỗ đặt tượng thờ), đền Parthenon với 1500m2 sàn có sảnh vào sâu tới 14m có 16 cột tròn đường kính 1,5m, cao 14m, trên lợp mái dốc về hai phía. Hai dốc tròn hai bên sảnh đặt tượng Hoàng đế và tượng Marcus Agrippa - nhà kiến trúc, kỹ sư công binh đại tài - bạn của Hoàng đế. Một điều nữa gây được ấn tượng mạnh là khoảng sân trước đền dài tới 120m, có hàng cột và hiên bao quanh. Với đoàn người từ ngoài xa tiến vào, hiên này thoạt tiên che khuất tòa nhà đồ sộ bên trong. Chỉ sau khi đi qua hàng cột cổng, ngôi đền mới đột ngột hiện ra.
Với vật liệu bê tông, gạch nung và đá ốp, bằng những tính toán thông minh và chính xác, đền Pantheon xứng đáng là đỉnh cao của tư duy kỹ thuật thời La Mã cổ đại.
Nhà tắm Caracalla có quy mô bằng cả một thành phố nhỏ.
Vào thời Caracalla, các nhà tắm công cộng đều mang đặc điểm không thể tách rời của các thành phố La Mã trong thời gian ít nhất ba thế kỷ. Đặc điểm chính của nhà tắm ban đầu là một phòng trang điểm và một bồn nước nóng dùng chung trong một phòng xông hơi, đi qua một phòng xông âm ấm. Một số cũng gồm nhiều phòng xông khô như phòng tắm hơi và một phòng tắm lạnh có bể bơi sâu. Các nhà tắm đều có quy mô gia đình, ánh sáng lờ mờ, trang trí đơn sơ, phản ánh chức năng tiện dụng, cung cấp tiện nghi vệ sinh cho cư dân thành phố.
Bề ngoài thực hiện cùng một chức năng, nhưng số nhà tắm do các vị hoàng đế ở Rome xây dựng trong thực tế rất khác nhau. Lớn nhất trong số các nhà tắm này - như nhà tắm Caracalla - có quy mô bằng cả một thành phố nhỏ, các khối nhà tắm rộng mênh mông thiết kế trong một vòng tường bao khu vườn, bao quanh là phòng đọc sách, hội trường diễn thuyết, phòng tranh nghệ thuật và các đường chạy thể thao.
Công trình phục vụ tắm cũng có quy mô đồ sộ tương ứng, với bể bơi quy mô cỡ Thế vận hội và khu vực frigidaria nhiều hang động dài, có nhiều cửa sổ khổng lồ lắp kính để chiếu sáng. Khắp nơi, sàn và vách tường đều phát ra tia sáng yếu ớt từ các tảng đá cẩm thạch quý ở khắp nơi, các tác phẩm khảm bằng kính trong các hóc tường và mái vòm phản ánh lượng nước thừa thãi. Nhiều pho tượng ngắm nhìn những người đang tắm, như pho tượng khổng lồ tượng trưng cho thần Aesclepius, vị nam thần chữa bệnh cho người La Mã, cao đến 4m, với nhiều bộ phận mạ vàng có mặt khắp nơi trong các nhà tắm Caracalla.
Vây quanh là những pho tượng tráng lệ này, thường dân thành La Mã không thể nào không có ấn tượng trước uy quyền lấn át và thân thế thần thánh của các vị hoàng đế đã đặt nhà tắm bằng tên mình.
Ngày nay các đống đổ nát trơ trụi của Nhà tắm Caracalla được bảo tồn tốt nhất trong số các nhà tắm đường bệ. Đây là một trong những dự án xây dựng riêng biệt quy mô lớn nhất do các vị hoàng đế ở Rome đứng ra đảm nhiệm.
Đây là công trình mang tính tổng hợp vừa làm nơi giao dịch, vừa làm hội trường lại vừa làm nơi xử án.
Basilica là một thể loại công trình công cộng đặc biệt, có quy mô và diện tích rộng lớn thời La Mã cổ đại, là một kiến trúc mang tính tổng hợp vừa làm nơi giao dịch, vừa làm hội trường lại vừa làm nơi xử án. Hình thức kiến trúc thông thường có dạng mặt bằng hình chữ nhật hai đầu hoặc một đầu có dạng nửa hình tròn (Apse).
Basilica Maxentius được khởi công xây dựng bởi nhà vua Maxentius, về sau được nhà vua Constantin hoàn thiện thêm bằng việc xây ghép thêm một tiền sảnh bên. Basilica Maxentius nổi tiếng bởi quy mô, tầm vóc, kỹ thuật xây cuốn, mái vòm và nghệ thuật trang trí.
Chiều dài của Basilica bao gồm ba bước, toàn bộ 100 mét dài, chiều rộng gồm ba nhịp, tổng cộng 76m rộng. Xây dựng một công trình kích thước như vậy đòi hỏi phải có kỹ thuật cao, kích thước cuốn đã nửa tròn của mỗi bước công trình có chiều rộng 20,3m, chiều cao 24,3m. Chiều cao lên đến đỉnh mái là 36,58m.
Đây là cầu dẫn nước cao nhất trong số các công trình tương tự thời La Mã.
Pont du Gard được xây dựng bằng đá bắc ngang qua sông Gardon gồm 3 tầng với chiều dài 275 mét và độ cao tối đa 49 mét. Đây là cầu dẫn nước cao nhất trong số các công trình tương tự thời La Mã. Ba tầng của Pont du Gard có các kích thước lần lượt là:
Độ mở của các nhịp cầu hai tầng đầu là tương tự nhau vì các trụ nhịp của hai tầng này được đặt trùng lên nhau. Độ mở của các nhịp thay đổi từ 24,52 mét cho các nhịp bắc qua sông và 19,50 mét cho các nhịp còn lại. Các nhịp hẹp nhất có độ mở 15,50 mét. Các nhịp của tầng trên cùng có độ mở không đổi là 4,80 mét.Hai tầng đầu và các trụ của tầng thứ ba được xây dựng bằng cùng một loại gạch đá dày nửa mét, dài 2 mét và cân nặng tới 6 tấn. Các phiến đá này được ghép chính xác với nhau bằng cách chạm trực tiếp tại nơi ghép. Các máng dẫn nước rộng 1,20 mét, cao 1,85 mét được xây từ các phiến đá xây dày 0,85 mét. Hệ thống này được bao bọc bởi các phiến đá lát dày 0,35 mét, rộng 1 mét và dài 3,65 mét.
Các hệ thống quảng trường khởi La Mã cổ đại Forum (quảng trường thành phố),ban đầu thường là một trung tâm sinh hoạt công cộng dùng cho nhiều hoạt động: Hội họp, mít tinh diễu hành, giam tù… đôi khi ở Forum còn có chợ và là trường đấu.
Đây là nơi diễn ra hội họp, mít tinh diễu hành, giam tù… đôi khi ở Forum còn có chợ và là trường đấu.
Trong số các Forum trên, Forum lớn nhất, hoành tráng nhất, gây ấn tượng nhất là Forum cuối cùng của các triều đại La Mã là Forum Trajan, do Nhà vua Trajan (98- 117 sau CN) tiến hành xây dựng.
Để xây dựng Forum Trajan, người ta đã san phẳng cả một ngọn đồi nhỏ giữa hai ngọn đồi Capitole và Quirinal. Cửa vào chính, từ phía Forum Auguste ở phía Nam là một khải hoàn môn, tiếp đó đến một quảng trường kích thước 120-90m lát đá cẩm thạch, hai bên có hàng cột thức và hai nửa hình tròn có đường kính 45m để tạo thành trục ngang, Ở giữa quảng trường, chỗ cắt nhau giữa hai trục dọc và ngang, đặt tượng Trajan. Tiếp theo là một Basilica đồ sộ và lộng lẫy có kích thước 120-60m.
Hai bên phải và trái có hai thu viện La Tinh và Hy Lạp, góp phần hình thành một tổng thể lớn nhỏ, cao thấp khác nhau, gây ấn tượng mạnh.
La Mã đã từng là một trung tâm kiến trúc hấp dẫn lớn nhất của thời cổ đại, chính vì vậy, mà về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đã có câu châm ngôn: “Mọi con đường đều dẫn đến thành Roma”.
Kiến trúc La Mã, cùng với kiến trúc Hy Lạp đã tạo nên những “cái chuẩn” mà đời sau còn tiếp tục sử dụng lâu dài, như Marx đã viết: “Không có Hy Lạp và La Mã cổ đại, sẽ không có châu Âu hiện tại”.