Bí ẩn sự trỗi dậy của Himalaya

  •  
  • 5.197

Theo một giả thuyết mới, tốc độ va chạm giữa các đĩa kiến tạo trên trái đất đang chậm lại, tạo ra một lực đẩy lớn tác động đến độ cao của dãy Himalaya và cao nguyên Tây Tạng.

>>> Không thể chinh phục Everest do... hết tuyết?

Trong lúc các đĩa kiến tạo của trái đất trượt dọc bề mặt địa cầu, chúng mang các lục địa di chuyển theo. Đôi khi sau nhiều triệu năm, những lục địa này cuối cùng va vào nhau và trong quá trình này, sự va chạm dần chậm lại. Nghiên cứu mới cho rằng diễn biến trên có thể không chỉ xuất phát từ vỏ trái đất, mà còn có thể phụ thuộc vào những sức mạnh ẩn sâu trong lòng đất.

Hiểu được các lực kiểm soát quá trình dịch chuyển các đĩa kiến tạo có thể giúp khai mở sự hiểu biết về các yếu tố gây nên các trận động đất, núi lửa, cũng như nguồn gốc và sự sụp đổ của núi non, các rãnh sâu trong lòng đại dương và lục địa. Chuyên gia Marin Clark (Đại học Michigan) đã tập trung quan sát sự va chạm sắp tới giữa Ấn Độ và lục địa Á - Âu nhằm tìm hiểu thêm các lực đẩy này. “Cuộc va chạm giữa Ấn Độ và lục địa Á - Âu hết sức khủng khiếp, nó đang tạo ra sự hình thành đất đai lớn nhất trong 500 triệu năm qua hoặc hơn: có thể quan sát trường hợp dãy Himalaya và cao nguyên Tây Tạng”, Clark nói.

Núi Himalaya đang tăng dần độ cao khi đĩa kiến tạo Ấn Độ di chuyển về hướng bắc
Núi Himalaya đang tăng dần độ cao khi đĩa kiến tạo Ấn Độ di chuyển về hướng bắc

Clark đã kiểm tra dữ liệu địa chất từ những cuộc nghiên cứu trước đó để phân tích cách thức đĩa kiến tạo Ấn Độ đang di chuyển theo hướng bắc với tốc độ 15cm/năm trong 67 triệu năm qua. Bà cũng xem xét sự thay đổi về độ cao của đất đai trong khu vực đang xảy ra va chạm. “Dãy Himalaya và cao nguyên Tây Tạng đang cao dần lên trong lúc đĩa kiến tạo Ấn Độ di chuyển về hướng bắc, giống như chiếc hộp dài ra dưới tác động xoắn”, trang OurAmazingPlanet dẫn lời chuyên gia này. Bà Clark đã xác định được tốc độ núi mọc hiện tại nhờ kết quả đo đạc từ hệ thống định vị toàn cầu, còn tốc độ trong quá khứ dựa vào việc so sánh kích thước của cao nguyên Tây Tạng với tốc độ đĩa kiến tạo trên di chuyển về hướng bắc.

Nghiên cứu trước đó cho rằng lực đẩy bên trong vỏ trái đất, trong đó có lực tác động khiến dãy Himalaya ngày càng cao hơn và sự dày lên của lớp vỏ phía dưới cao nguyên Tây Tạng, đã làm chậm lại quá trình va chạm giữa Ấn Độ và lục địa Á - Âu. Tuy nhiên, theo nghiên cứu đăng trên chuyên san Science, chuyên gia Clark phát hiện được tốc độ của quá trình này đã giảm theo hàm mũ kể từ khi 2 đĩa kiến tạo bắt đầu đụng nhau cách đây khoảng 45 đến 50 triệu năm. Ngược lại, tốc độ tăng chiều cao của núi trong khu vực dường như không thay đổi từ trước đến nay. Những khám phá mới này cho thấy quá trình va chạm chậm lại là do sự đối kháng không ngớt xuất phát từ độ sâu 60km phía dưới Tây Tạng, ở khu vực gọi là thạch quyển.

Quá trình hội tụ giữa 2 đĩa kiến tạo dần dần sẽ ngưng lại sau 20 triệu năm, theo dự đoán của chuyên gia Clark, đặt dấu chấm hết cho một trong những giai đoạn hình thành núi non lâu nhất trong lịch sử địa chất gần đây.

Theo Thanh Niên
  • 5.197