Những người này thường ngủ trong quan tài, mặc trang phục đen, hay gặp hiện tượng nôn nao, thèm huyết thanh như lên cơn nghiện.
Darkness Vlad Tepes, 29 tuổi, ở Anh đã sống như một ma cà rồng gần 20 năm. Anh ngủ trong quan tài, uống máu bò và lợn. Tepes là một trong số hàng nghìn người trên thế giới cho rằng mình là ma ca rồng.
Darkness Vlad Tepes lần đầu tiên bị thu hút bởi lối sống ma cà rồng khi còn là thiếu niên. Năm 13 tuổi, Tepes sống ở Galway, Connacht, Cộng hòa Ireland.
Người đàn ông này kể: “Khi dắt chó đi dạo trong rừng, tôi bất ngờ thấy nhóm các cô gái ăn mặc sexy và nghĩ rằng họ là thây ma. Tôi chạy thục mạng về nhà vì rất sợ. Tuy nhiên, sau đó, tôi rất tò mò. Một ngày nọ, tôi thấy họ lần nữa và được đưa vào trại nơi họ sống. Kể từ đó, tôi chính thức là ma cà rồng”.
Khi cho mình là ma cà rồng, Tepes tin rằng cơ thể sống nhưng linh hồn đã chết. Anh bắt đầu thích ngủ trong quan tài được làm riêng theo yêu cầu, nặng khoảng 25kg, dài hơn 2m. Kích thước này vừa đủ với chiều cao 2m của Tepes.
Darkness Vlad Tepes ngủ trong quan tài, uống máu động vật vì cho rằng mình là ma cà rồng. (Ảnh: USA Today).
Người đàn ông này cũng có chế độ ăn uống nghiêm ngặt. Tepes tránh xa thức ăn chứa nhiều chất béo, uống máu bò và lợn để thay thế huyết thanh của người. Tỏi và ánh sáng mặt trời không ảnh hưởng đến cơ thể người đàn ông này nên Tepes có thể tự do đi dạo như bất kỳ ai khác.
Năm 2012, Tepes chuyển sang sống ở Blackburn, Lancashire, Anh. Theo lời kể của anh, Tepes là thành viên có tiếng trong cộng đồng ma cà rồng Underworld ở phía đông Lancashire. “Trở thành ma cà rồng rất khó, tất nhiên luôn có những đấu tranh trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng tôi vui vì lựa chọn của mình”, anh nói.
Tuy vậy, cuộc sống của Tepes không mấy dễ dàng. Anh kể bản thân bị lạm dụng công khai tại quán rượu ở Oswaldtwistle vì cách ăn mặc. Trước đó, Sophie Lancaster, một thiếu niên bị sát hại vì cách ăn mặc như thây ma.
“Mọi người có niềm tin của mình và tôi cho rằng bản thân không đáng bị bức hại như vậy vì lựa chọn cá nhân. Tôi có thể là ma cà rồng nhưng cũng chỉ muốn được đối xử như những người khác”, Tepes chia sẻ với USA Today.
Trang sanguinarius.org, website cung cấp thông tin về ma cà rồng ở đời thực, định nghĩa những người như Tepes có nước da nhợt nhạt, tủ quần áo đa phần là màu tối, tô son đen hoặc đỏ rực, đeo kính râm, mọc răng nanh.
Tờ Guardian thống kê trên thế giới, hàng nghìn người tự cho mình là ma cà rồng. Họ đến từ nhiều nơi, chủng tộc, giới tính đa dạng. Merticus, thành viên sáng lập của Liên minh Ma cà rồng Atlanta, cho biết họ thường giữ bí mật với người khác. Điều đó giúp những người này bảo vệ bản thân và tránh những hiểu lầm.
Bản thân những người này ngoài suy nghĩ cho mình là ma cà rồng còn gặp hiện tượng nôn nao, thèm uống máu. Họ miêu tả nó như cảm giác khát dữ dội, tương tự nghiện ma túy hoặc chất kích thích. Máu động vật hoặc các món bít tết có thể giúp họ tạm quên đi cảm giác thèm muốn này.
Ngoài những cấm kỵ của xã hội, họ không được khuyến khích uống máu người. Bởi nó có thể mang nhiều bệnh như viêm gan, HIV, ký sinh trùng. Chính vì thế, họ thay thế bằng các thực phẩm từ động vật khác. Theo Merticus, những người trong nhóm của anh cũng có các thói quen như bất kỳ ai khác như ăn uống lành mạnh, tập thể dục, giao tiếp xã hội, uống cà phê…
Bên cạnh những người có thể đi lại, sinh hoạt bình thường, một số trường hợp bị nhạy cảm với ánh sáng mặt trời. Điển hình là anh em Simon và Geogre Cullen, người Anh. Hai cậu bé mọc răng nanh, không đổ mồ hôi và mỗi khi tiếp xúc với ánh sáng, làn da của họ "bốc cháy", thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng.
Anh em Simon và Geogre Cullen. (Ảnh: Barcroft Media).
Hiện tượng "ma cà rồng" nói trên trở thành bí ẩn với giới nghiên cứu. Đến nay, khoa học vẫn chưa có câu trả lời chính xác về những người này. Tuy nhiên, nhiều giả thuyết về hội chứng, căn bệnh mà họ mắc phải được đưa ra.
Điển hình là quan điểm cho rằng những người như cặp anh em Simon, Geogre mắc chứng bệnh Erythropoietic Protoporphyria (EPP). Đây là rối loạn chuyển hóa hiếm gặp, thường xuất hiện ở trẻ nhỏ với những phản ứng điển hình là nhạy cảm với ánh sáng. Chỉ cần vài phút tiếp xúc với mặt trời cũng khiến cơ thể người bệnh phát ban đỏ, phồng rộp và sưng đau. Nếu tiếp xúc lâu có thể gây bỏng da cấp độ 2.
Người mắc EPP thường được đặc trưng bởi sự thiếu hụt enzym ferrochelatase (FECH). Do mức độ thấp bất thường của enzym này, lượng protoporphyrin tích tụ quá mức trong tủy xương, huyết tương và hồng cầu. Bệnh nhân mắc EPP luôn xanh xao vì thiếu máu kinh niên. Họ cảm thấy mệt mỏi, vẻ ngoài nhợt nhạt. Người bệnh không thể ra ngoài vào ban ngày, ngay cả khi mây dày hay đứng sau lớp kính, tia cực tím cũng thiêu đốt làn da. Những người bị EPP cũng có nguy cơ mắc sỏi mật, suy gan.
Giả thuyết thứ 2 là hội chứng đột biến Hypohidrotic Ectodermal Dysplasia (HED). Thế giới có khoảng 7.000 người gặp hiện tượng này. HED gây ra do đột biến gene di truyền, ảnh hưởng sắc tố da. Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân bị biến dạng mặt, sạm da, rụng tóc, tróc nướu từng mảng khiến toàn bộ răng chìa ra ngoài. Theo tạp chí Family Medicine and Primary Care, bệnh nhân HED sẽ mọc những chiếc răng bất thường như răng nanh, thường xuyên bị hạ huyết áp, cơ thể không đổ mồ hôi và móng tay mọc dài kỳ lạ.
Giả thuyết thứ 3 là hội chứng Renifield, xuất hiện khi nam giới dậy thì. Theo Medical Daily, tiến sĩ John Edgar Browning của Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) thực hiện cuộc điều tra vào năm 2015 tại cộng đồng tự xưng là ma cà rồng và nhận thấy họ bị thiếu chất trong lúc dậy thì. Điều này gây nên cảm giác thèm hấp thụ máu.