Biến đổi khí hậu châm ngòi cho thời tiết cực đoan như thế nào?

  •  
  • 186

Biến đổi khí hậu có thể khiến mưa lớn, nắng nóng, hạn hán và cháy rừng trở nên trầm trọng và kéo dài lâu hơn trên khắp thế giới.

1. Mưa lớn

Mỗi khi nhiệt độ trung bình tăng thêm một độ C, khí quyển có thể chứa thêm khoảng 7% hơi ẩm. Điều này có thể dẫn tới nhiều hạt mưa và mưa nặng hạt hơn, đôi khi trong thời gian ngắn và khu vực nhỏ. Các nhà khoa học đánh giá liệu sự kiện thời tiết cực đoan có thể quy cho biến đổi khí hậu hay không bằng cách xem xét nguyên nhân từ nhiên và con người.

Trong trường hợp mưa lớn ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Oman vào tháng 4/2024, rất khó kết luận chính xác vai trò của biến đổi khí hậu. Đó là vì mưa lớn ở khu vực này rất hiếm gặp, do đó giới khoa học có rất ít ví dụ lịch sử để so sánh. Tuy nhiên, mức độ trầm trọng của những sự kiện kiểu này đã tăng 10 - 40% và biến đổi khí hậu là cách lý giải khả thi nhất, theo tổ chức World Weather Attribution (WWA).

Trận mưa biến đường phố Dubai thành sông vào đầu tháng 4.
Trận mưa biến đường phố Dubai thành sông vào đầu tháng 4. (Ảnh: NBC).

Cùng tháng, lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở nhiều nơi tại Đông Phi. Còn quá sớm để kết luận biến đổi khí hậu góp phần như thế nào vào sự kiện đó. Nhưng mưa lớn ở cùng khu vực vào tháng 10 và 11/2023 càng tồi tệ do sự kết hợp của biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết tự nhiên mang tên "Lưỡng cực Ấn Độ Dương", theo WWA. Vào tháng 9/2023, miền bắc Libya trải qua lũ lụt chết người. Mưa lớn có khả năng xảy ra cao gấp 50 lần do biến đổi khí hậu, và nhiều năm bất ổn chính trị đã cản trở nỗ lực chuẩn bị cho sự kiện như vậy.

Trên toàn cầu, những sự kiện mưa lớn trở nên thường xuyên và dữ dội hơn ở hầu hết khu vực đất liền do hoạt động của con người, theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc. Mô hình này sẽ tiếp diễn khi Trái Đất ấm dần.

2. Nắng nóng

Ngay cả gia tăng nhỏ ở nhiệt độ trung bình cũng tạo ra khác biệt lớn đối với nắng nóng cực đoan. Đầu tháng 4/2024, nhiệt độ ở Mali cán mốc 48,5 độ C trong đợt nắng nóng ở vùng Sahel của châu Phi, gắn liền với số ca nhập viện và tử vong gia tăng. Nắng nóng ở mức này không thể xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Tại Anh, nhiệt độ chạm ngưỡng 40 độ C lần đầu tiên trong lịch sử vào tháng 7/2022, gây rối loạn diện rộng trên cả nước. Nắng nóng cũng kéo dài lâu hơn ở nhiều nơi, bao gồm Anh. Điều đó có thể xảy ra do vòm nhiệt, khu vực áp suất cao nơi khí nóng bị đẩy xuống và mắc kẹt, khiến nhiệt độ tăng vọt trên diện tích rộng.

Một giả thuyết cho rằng nhiệt độ cao hơn ở Bắc Cực, nơi ấm nhanh gấp gần 4 lần so với mức trung bình toàn cầu, khiến những luồng gió mạnh gọi là dòng tia di chuyển chậm lại, kéo theo khả năng xuất hiện vòm nhiệt tăng lên.

3. Hạn hán

Việc liên hệ biến đổi khí hậu với từng đợt hạn hán riêng lẻ khá khó khăn. Mức độ sẵn có của nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài nhiệt độ và lượng mưa, trong đó hệ thống thời tiết tự nhiên cũng góp phần quan trọng. Đó là trường hợp xảy ra với hạn hán ở phía nam châu Phi vào đầu năm 2024. Nhưng nắng nóng do biến đổi khí hậu có thể làm hạn hán thêm trầm trọng bằng cách gây khô đất, dẫn tới không khí bên trên ấm lên nhanh hơn và hơi nóng càng dữ dội hơn.

Trong thời kỳ thời tiết nóng, nhu cầu về nước tăng lên, đặc biệt từ các nông dân, tạo thêm gánh nặng cho nguồn cung cấp nước. Ở nhiều nơi tại Đông Phi, mùa mưa vắng bóng liên tiếp từ năm 2020 đến 2022 khi khu vực trải qua hạn hán tồi tệ nhất 40 năm, khiến 1,2 triệu người dân ở Somalia mất chỗ ở. Biến đổi khí hậu làm hạn hán kiểu này nhiều khả năng xảy ra hơn ít nhất 100 lần, theo WWA. Hiện tượng ấm lên do con người gây ra cũng là nguyên nhân chính phía sau đợt hạn hán nặng nề nhất ở rừng mưa Amazon trong nửa thế kỷ, xảy ra vào nửa cuối năm 2023.

4. Cháy rừng

Những đám cháy xảy ra trong tự nhiên ở nhiều nơi trên thế giới. Rất khó biết liệu biến đổi khí hậu có làm cháy rừng tồi tệ hơn không bởi nhiều yếu tố khác cũng góp phần như thay đổi sử dụng đất. Nhưng biến đổi khí hậu tạo ra những điều kiện thời tiết cần thiết để đám cháy lan rộng hơn, theo IPCC. Nắng nóng cực đoan kéo dài hút nhiều hơi ẩm từ đất đai và cây cối. Điều kiện khô hạn cung cấp nhiên liệu cho đám cháy lan ra ở tốc độ khó tin, đặc biệt khi gió mạnh. Canada trải qua mùa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử vào năm 2023. Biến đổi khí hậu cũng tăng gấp đôi khả năng xuất hiện điều kiện cháy rừng ở phía đông Canada trong tháng 5 và 6/2023.

Nhiệt độ tăng lên có thể làm tăng khả năng có sét ở các khu rừng phía bắc, kích hoạt đám cháy. Theo Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), những đám cháy cực mạnh sẽ phổ biến và dữ dội hơn trong tương lai trên toàn cầu do ảnh hưởng kết hợp của thay đổi sử dụng đất và biến đổi khí hậu, với số lượng tăng 50% vào năm 2100.

Cập nhật: 29/04/2024 VnExpress
  • 186