Vô tình chụp được bức ảnh đi vào lịch sử tự nhiên Singapore

  •  
  • 3.445

Cha của nhiếp ảnh gia Daryl Tan chụp được cảnh tượng hiếm thấy mà không biết là ông trở thành người đầu tiên ở Singapore ghi lại hình ảnh một con rắn hổ mang chúa ăn thịt đồng loại.


Rắn hổ mang chúa là một loài hiếm thấy ở Singapore và việc thấy chúng cùng con mồi thậm chí còn khó hơn rất nhiều. (Ảnh: Daryl Tan).

“Con rắn khổng lồ!!!”

Đó là chú thích trong video từ cha của nhiếp ảnh gia đam mê chụp rắn Daryl Tan gửi tới cho anh vào chiều 6/6.

Vào thời điểm đó, cha của Tan chưa nhận ra rằng ông có thể là người đầu tiên ở Singapore ghi lại hình ảnh một con rắn hổ mang chúa ăn thịt đồng loại, nuốt chửng toàn bộ con rắn hổ mang khác khi con mồi vẫn còn sống.

Kinh ngạc

Daryl Tan kinh ngạc khi xem đoạn video của cha mình, quay tại một khu rừng ngập mặn ở phía tây đảo.

“Cha thường gửi cho tôi những bức ảnh và video về rắn vì ông biết tôi rất phấn khích mỗi khi nhìn thấy rắn, đồng thời ông nhờ tôi xác định loài nào”, Daryl Tan nói với Straits Times.

Anh Tan là một nhà giáo dục 35 tuổi và đã theo đuổi sở thích chụp ảnh rắn ở Singapore từ năm 2005.

Anh chia sẻ thêm: “Thường thì chúng chỉ là những con rắn thông thường, như rắn leo cây và rắn cây thiên đường, nhưng lần này cha tôi đã "trúng vàng" mà không hề nhận ra”.

Rắn hổ mang chúa là một loài hiếm thấy ở Singapore việc bắt gặp chúng cùng con mồi thậm chí còn khó hơn rất nhiều.

Loài này được phân loại vào nhóm dễ bị tổn thương trong Sách Đỏ Singapore, trong đó cung cấp thông tin như tên khoa học và tên thông dụng cùng với mô tả về từng loài thực vật và động vật ở đây.

Chỉ có một trường hợp khác được ghi nhận là rắn hổ mang chúa tấn công một cá thể đồng loại vào tháng 4/2019, nhưng người quan sát đã không theo dõi được đến cùng, vì vậy không rõ liệu con rắn nhỏ hơn cuối cùng có bị hạ gục hay bị ăn thịt hay không.

“Bất kỳ cảnh tượng săn mồi nào, bất kể loài nào, đều luôn có ý nghĩa quan trọng”, Daryl Tan khẳng định.

Trong 19 năm chụp ảnh động vật hoang dã, anh chỉ gặp một trường hợp bò sát ăn thịt đồng loại khác, đó là một con tắc kè đang săn mồi một con tắc kè khác.

 Mặc dù rắn hổ mang chúa thỉnh thoảng được phát hiện ở các khu vực tự nhiên ở Singapore
Mặc dù rắn hổ mang chúa thỉnh thoảng được phát hiện ở các khu vực tự nhiên như Khu bảo tồn đất ngập nước Sungei Buloh, nhưng việc ăn thịt đồng loại như thế này là một trường hợp hiếm gặp và độc đáo. (Ảnh: Remy Shek).

“Khoảnh khắc tôi thấy đoạn video và nhận ra rằng đó là một con rắn hổ mang chúa đang ăn thịt một con nhỏ hơn, tôi biết mình phải tự tới nơi xem tận mắt ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải có một niềm tin mãnh liệt và có thể sẽ thất vọng nếu chuyến đi trở thành công cốc”.

Sau khi xác minh nội dung video với những người bạn cùng đam mê, anh Tan đã lao tới hiện trường cùng với một người trong số đó, Remy Shek, 16 tuổi.

"Cuộc chạm trán 'hoàng gia'"

Đối với cả Tan và Shek, không có cách nào để biết trận chiến của hai con hổ mang chúa diễn ra bao lâu, hoặc liệu chúng có còn ở chỗ đó hay không. Nếu cuộc chiến vừa mới bắt đầu thì hai người có thể vẫn còn cơ hội quan sát.

Một cuộc chạm trán trước đây, trong đó một con hổ mang chúa đã chiến đấu và cuối cùng ăn thịt một con trăn lưới vào năm 2023 kéo dài hơn 7 giờ.

Rắn hổ mang chúa cũng có khả năng kháng cự phần nào với nọc độc của đồng loại nên có thể phải mất một thời gian mới khuất phục được.

Tan từng chứng kiến cuộc đối đầu năm 2023 và anh cho rằng cuộc chạm trán mới nhất vẫn đáng giá hơn cả.

Anh nói: “Chúng tôi nghĩ rằng trận chiến giữa rắn hổ mang chúa và trăn lưới là một cuộc đối đầu "hoàng gia" bởi một bên là loài rắn độc dài nhất thế giới và đối thủ là loài trăn dài nhất thế giới - nhưng đây là mới là cuộc đụng độ của "hoàng gia" thực sự”.

“Thật không may, đây lại là trận đấu một mất một còn”.

 Rắn hổ mang chúa có khả năng kháng lại phần nào nọc độc của đồng loại
Rắn hổ mang chúa có khả năng kháng lại phần nào nọc độc của đồng loại nên có thể phải mất một thời gian mới khuất phục được đối thủ. (Ảnh: Daryl Tan).

Đến hiện trường khoảng một giờ sau, Tan và Shek đã xác định được vị trí của cả hai con rắn hổ mang chúa.

Họ quan sát thấy con lớn hơn dài hơn 3m. Con nhỏ hơn ước tính dài hơn 2 m, nhưng cả hai đều có chu vi tương tự nhau.

Con rắn hổ mang chúa lớn hơn đã kéo con nhỏ hơn ra khỏi nơi chúng được phát hiện ban đầu và ăn thịt nó trên lối đi bộ.

Tuy nhiên, con rắn hổ mang chúa nhỏ hơn vẫn chưa chết. “Đôi khi, nó sẽ kháng cự và gây chiến ngay cả khi một nửa cơ thể đã nằm trong miệng con lớn hơn”, Tan cho biết.

Có thời điểm mưa bắt đầu rơi nên Tan và Shek phải cầm máy ảnh. Cả hai tiếp tục quan sát cảnh tượng này từ xa trong khoảng một tiếng rưỡi dưới mưa, cho đến khi con rắn lớn hơn ăn hết con mồi và trườn đi, Shek cho biết.


Con rắn lớn hơn có chiều dài hơn 3m. Con nhỏ hơn ước tính dài hơn 2 m, nhưng cả hai đều có chu vi tương tự nhau. (Ảnh: Remy Shek).

Tan cho hay họ phải giữ khoảng cách trong suốt cuộc chạm trán vì sự an toàn của chính mình. Sau cũng, họ chụp được ảnh hai con rắn cực độc.

Họ cũng không muốn gây bất kỳ căng thẳng nào cho con vật vì rắn thường nôn ra và bỏ bữa ăn như một chiến thuật bỏ trốn.

“Động vật hoang dã luôn quan trọng hơn việc chụp ảnh”, Tan khẳng định.

Phát hiện mang tính lịch sử

Shivaram Rasu, nhà khoa học của Hiệp hội Bò sát Singapore, xác nhận cả hai con rắn thực sự là hổ mang chúa và cho biết phát hiện này dường như là tài liệu đáng tin cậy đầu tiên về hành vi ăn thịt đồng loại của hổ mang chúa trong tự nhiên ở Singapore.

Anh nói: “Mặc dù rắn hổ mang chúa thỉnh thoảng được phát hiện ở các khu vực tự nhiên như Khu bảo tồn đất ngập nước Sungei Buloh, nhưng việc ăn thịt đồng loại như thế này là một trường hợp hiếm gặp và độc đáo”.

“Cảnh tượng này đặc biệt hấp dẫn vì nó cung cấp cho chúng tôi những hiểu biết có giá trị về thói quen ăn mồi của rắn hổ mang chúa. Mặc dù hành vi ăn thịt đồng loại trong một loài đã được quan sát thấy ở nhiều loài rắn khác nhau trên toàn thế giới nhưng vẫn là một trường hợp tương đối hiếm gặp, khiến cho quan sát này càng trở nên quan trọng hơn”, vị chuyên gia nói thêm.


Daryl Tan và Remy Shek quan sát cảnh tượng từ xa trong khoảng một tiếng rưỡi dưới mưa, cho đến khi con rắn lớn hơn ăn hết con mồi và trườn đi. (Ảnh: Daryl Tan).

Nhà tư vấn môi trường 30 tuổi nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải phản ánh những bắt gặp như vậy trên các nền tảng khoa học như Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Lee Kong Chian trong Hồ sơ Đa dạng Sinh học Singapore, góp phần nâng cao kiến thức chung và nỗ lực bảo tồn.

Tan cho hay ông đang định làm như vậy.

Shivaram cho rằng nếu người dân gặp phải những trường hợp như vậy thì nên tránh xa các loài động vật này vì những loài săn bắt hoặc kiếm ăn có thể dễ bị căng thẳng hơn.

Anh nói: “Điều quan trọng cần nhớ là đây là những động vật hoang dã và sự hiện diện của chúng ta có thể khiến chúng căng thẳng hoặc phá vỡ hành vi tự nhiên của chúng”.

“Tôn trọng không gian của chúng không chỉ vì sự an toàn của chúng ta mà còn vì cuộc sống của chúng”.

Cập nhật: 14/06/2024 Znews
  • 3.445