Phong trào "Block Friday" ra đời nhằm khai tử Black Friday với khẩu hiệu: "Chúng tôi sẽ không giết chết hành tinh, phản bội con cháu để được giảm giá 30%".
Black Friday là dịp mua sắm sau ngày lễ Tạ ơn của người Mỹ. Trong 20 năm qua, các nhà bán lẻ lớn thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá vào ngày này và giờ đây nó không còn là ngày mua sắm của riêng người Mỹ. Theo CNBC, chỉ riêng năm 2017, người Anh đã chi khoảng 10,3 tỷ USD, người Đức tiêu tốn 7,6 tỷ USD và người Pháp tiêu xài hết 6,2 tỷ USD cho nhu cầu mua sắm trong ngày thứ 6 đen tối.
Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, người dân ở nhiều quốc gia đang có xu hướng quay lưng, thậm chí tẩy chay Black Friday vì nhiều nguyên do khác nhau. Tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã yêu cầu các trang thương mại điện tử và siêu thị lớn phải hoãn ngày giảm giá Black Friday, đáng lẽ sẽ diễn ra từ 27-29/11 để các cửa hàng bán lẻ truyền thống đang phải đóng cửa vì lệnh phong tỏa có cơ hội bắt kịp.
Từ năm 2019, một số nhà lập pháp ở Pháp đã muốn cấm Black Friday hoàn toàn. Gần Paris, những người biểu tình tụ tập trước trung tâm mua sắm cho đến trụ sở của Amazon để phản đối tình trạng sản xuất quá mức mà theo họ là đang giết chết hành tinh, sự sống. Phong trào "Block Friday" ra đời nhằm khai tử "Black Friday" với những khẩu hiệu: "Rừng cháy, đại dương ô nhiễm, sinh vật chết dần nhưng chúng ta vẫn muốn tiêu thụ và sản xuất?".
Tại Đức, hàng trăm công nhân của Amazon đã đình công vào ngày thứ 6 đen tối năm ngoái. Còn ở Anh, các nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay Black Friday vì cho rằng đó chỉ là "mánh khóe lừa đảo" của các doanh nghiệp lớn để làm tổn hại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.
Toàn cầu hóa đã mang thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ đến với người mua sắm trên khắp thế giới, từ kẹo Halloween cho đến ngũ cốc ăn sáng và bơ đậu phộng. Những thứ này thậm chí thay thế truyền thống địa phương ở nhiều quốc gia châu Âu. Với các nhà hoạt động xã hội Pháp, Anh, Italy, Black Friday là hình ảnh thu nhỏ cho xu hướng thay thế này. Chính vì vậy, họ cho rằng thứ 6 đen tối - một sự kiện có nguồn gốc từ Mỹ - nên bị hạn chế. Nhóm hoạt động khí hậu Extinction Rebellion tuyên bố Black Friday "là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản gây hại nhiều nhất" và cảnh báo rằng chủ nghĩa tiêu dùng sẽ phá hủy mọi thứ nếu chúng ta không ra tay hành động trước.
Không chỉ tại châu Âu, Black Friday cũng không còn được chào đón nồng nhiệt như trước đây ở một số nước châu Á như: Iran, Bangladesh... Tại Bangladesh, sau vụ cháy nhà máy Tazreen ở ngoại ô Dhaka vào năm 2012 khiến 112 công nhân may mặc thiệt mạng, Black Friday hàng năm không còn là ngày hội mua sắm mà đã trở thành ngày tưởng niệm các nạn nhân xấu số và biểu tình phản đối tình trạng sản xuất quá mức.
Black Friday không được đón nhận tại một số nước còn vì yếu tố văn hóa, lịch sử. Tại Ai Cập, thứ 6 là ngày thờ cúng thiêng liêng của người Hồi giáo. Trước áp lực dư luận kêu gọi hủy bỏ sự kiện, nhiều nhà bán lẻ đã quyết định đổi tên Black Friday thành White Friday hoặc Yellow Friday. Còn tại Myanmar, Black Friday thường gợi nhớ đến một cuộc thảm sát năm 2003 hơn là một sự kiện mua sắm quy mô.