Cá nóc phồng người lên như thế nào và tại sao chúng lại làm vậy?

  •   4,33
  • 2.991

Với độc tố trong người và kỹ năng phồng mình thành một quả cầu gai, cá nóc có thể dọa được rất nhiều kẻ thù của mình. Nhưng ở Nhật Bản, người ta vẫn bắt và chế biến cá nóc thành một món ngon gọi là fugu.

Nếu bạn từng biết đến cá nóc, ắt hẳn bạn phải biết chúng có thể phồng cơ thể mình lên như một quả bóng. Những con cá nóc có thể tự mở rộng vòng eo của chúng lên gấp 3 lần. Nếu điều đó xảy ra với con người, hãy tưởng tượng bạn có thể hít không khí vào bụng mình để căng vòng eo lên tới 3 mét rồi lơ lửng xung quanh phòng, liên tục đập vào trần nhà.

Đó là những gì mà một con cá nóc sẽ làm nếu gặp phải kẻ địch. Chiến thuật phòng thủ này giúp cá nóc trông đáng sợ. Một số loài còn có gai xung quanh mình biến chúng trở thành một quả cầu gai có thể đe doạ bất cứ loài cá nào có ý định ăn chúng.

Nhưng sự thật thì cá nóc phồng người lên như thế nào? Có bao giờ chúng bị bay hẳn lên trời mà chết đuối ngược hay không?

Cá nóc không bơm không khí vào phổi mà uống nước vào dạ dày.
Cá nóc không bơm không khí vào phổi mà uống nước vào dạ dày.

Trên thực tế khi bạn thấy một con cá nóc phồng lên, chúng không bơm không khí vào phổi để làm vậy. Thay vào đó, những con cá nóc uống nước vào dạ dày. Những ngụm nước cực lớn, thường là từ 10-15 ngụm được bơm vào qua một cơ đặc biệt ở miệng.

Sau đó, chiếc dạ dày đặc biệt của cá nóc bắt đầu phồng lên. Ở trạng thái bình thường, dạ dày của cá nóc có những nếp gấp giống như một chiếc đàn accordion. Điều này cho phép nó có khả năng giãn nở tới 3 lần. Và khi được bơm đầy nước, áp lực nước không khiến dạ dày của cá nóc bọ bục.

Cá nóc có những cơ ở thực quản làm nhiệm vụ như một van khóa nước. Khi dạ dày của chúng đã căng phồng, cơ thực quản sẽ bó lại, giữ cho con cá không bị xẹp. Phải đến khi nào nguy hiểm qua đi, cá nóc mới sử dụng một bó cơ khác ở đáy bụng để ép nước ra ngoài.

Đây là những bó cơ mà hầu hết các loài cá khác không sở hữu. Chỉ có cá nóc, khi chúng chọn con đường tiến hóa để phồng lên như một quả bóng bay mới làm vậy. Tổ tiên của cá nóc đã không có xương sườn và xương chậu. Bởi nếu sở hữu hai loại xương này, chúng sẽ không thể phồng lên được.

Bên cạnh xương, cá nóc cũng phải hi sinh khả năng tiêu hóa của chính dạ dày của chúng. Với cá nóc, dạ dày chỉ dùng để chứa nước chứ không co bóp để tiêu hóa thực phẩm. Vì vậy, ruột của chúng sẽ phải làm việc vất vả hơn khi đảm nhận toàn bộ nhiệm vụ tiêu hóa.

Bù lại, khả năng phồng người lên như một quả cầu gai cung cấp cho cá nóc một chiến lược phòng thủ hữu hiệu. Rất ít những con vật dưới nước có hứng thú với một quả cầu gai trôi nổi trong nước. Và ngay cả khi cá nóc bị tấn công bất ngờ từ trên không, bởi một loài chim săn cá, chúng cũng có thể thoát chết nhờ cơ chế này.

Khác với ở dưới mặt nước, cá nóc bị nhấc bổng lên trên không vẫn có thể hớp lấy không khí để làm căng dạ dày. Lúc này, nó đúng là một quả bóng bay thực sự. Khi một con chim giữ một con cá nóc phồng lên trong mỏ, nó sẽ có xu hướng nhả con cá ra vì sẽ không thể nuốt được chúng.

Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học đã quan sát thấy tới một nửa số cá nóc có thể thoát khỏi mỏ chim bằng chiến thuật phồng người của mình. Và ngay cả khi chúng không thoát ra được, cá nóc vẫn có một chiến thuật lưỡng bại câu thương với kẻ thù nào dám nuốt chúng.


Một con cá nóc phồng người lên khi bị chim săn cá bắt được. Con chim sẵn sàng thả con mồi đi vì nó biết mình không thể nuốt trôi được.

Đó là bởi cơ thể của cá nóc được tẩm một chất độc thần kinh gọi là tetrodotoxin. Nó độc gấp 1.200 lần so với xyanua. Độc đến mức một con cá nóc có thể giết chết 30 người trưởng thành.

Độc tố tetrodotoxin của cá nóc làm tê lưỡi và môi, gây chóng mặt và nôn mửa, sau đó là tê và ngứa khắp cơ thể. Nó sẽ khiến tim bạn đập nhanh lên, nhưng huyết áp lại giảm và cuối cùng là tê liệt toàn bộ. Khi cơ hoành của bạn cũng không thể co bóp được nữa, về cơ bản, bạn sẽ ngừng thở và tử vong.

Nguồn gốc của độc tố tetrodotoxin trong cá nóc còn là vấn đề tranh luận, nhưng phần lớn các nhà khoa học cho rằng chúng đã được sinh ra từ những vi khuẩn sống trong đường ruột của chúng.

Cá nóc giữ tetrodotoxin trên da, trong ruột, và đặc biệt là ở buồng trứng và gan. Nhưng nếu biết cách chế biến nó, một số đầu bếp lành nghề vẫn có thể phục vụ cá nóc trong nhà hàng của họ.

Món Fugu
Món fugu của Nhật Bản làm từ thịt cá nóc. Thịt cá nóc không độc, nhưng các đầu bếp phải rất lành nghề trong khi chế biến cá nóc, vì độc tố có thể không may nhiễm từ nội tạng cá sang thịt nếu đầu bếp không lọc chúng cẩn thận.

Ở Nhật Bản, cá nóc thường được chế biến thành một món ngon gọi là fugu. Ở Hàn Quốc và Trung Quốc, người dân cũng thường ăn cá nóc. Điều này thật đáng ngạc nhiên vì cá nóc với độc tố của nó được xếp hạng là động vật có xương sống độc thứ hai trên thế giới.

Vậy để biết thịt của chúng hẳn phải ngon đến chừng nào, thì người ta mới mạo hiểm cả mạng sống của mình để ăn chúng.

Cập nhật: 26/08/2024 Theo Pháp luật&bạn đọc
  • 4,33
  • 2.991