Nếu bạn đang ở tuổi thanh niên thì không có gì đáng lo cả. Cho đến 30 tuổi hoặc khoảng đó, bạn sẽ còn tiếp tục cao lên.
Tuy nhiên, sau đó, hầu hết mọi người bắt đầu từ từ thay đổi. Và đến khoảng 80 tuổi, bạn sẽ thấp đi khoảng 5-6cm so với lúc cao nhất.
Chính xác thì bộ phận nào của cơ thể thay đổi nhiều như vậy? Bí mật nằm ở những bộ phận giúp cho cơ thể đứng thẳng – tức là cột sống. Cột sống được tạo nên từ 33 mảnh xương rất nhỏ gọi là đốt sống. Ở giữa hầu hết các đốt sống là các đĩa đệm tạo thành từ các tế bào mềm hơn.
Bên trong các đĩa đệm mềm này là chất nhầy giống như thạch và thành phần chủ yếu của nó là nước. Nó có tác dụng như bộ phận giảm chấn khi bạn đi, chạy và nhảy.
Khi bạn già đi, các đĩa đệm này từ từ mất nước và trở nên dẹt hơn một chút. Nhưng vì có đến 23 đĩa đệm nên chúng tạo nên ¼ chiều dài của cột sống. Mỗi một đĩa đệm xẹp đi một chút, cộng lại sẽ làm giảm chiều cao của bạn.
Cơ của người già cũng nhỏ đi và yếu hơn, xương mỏng hơn và khoảng cách giữa các xương trong các khớp cũng nhỏ đi. Những yếu tố này cũng làm thay đổi chiều cao của bạn.
Một nghiên cứu của Viện Lão khoa quốc gia, Mỹ, đã theo dõi 2.084 người trong độ tuổi từ 17 đến 94 trong 35 năm và phát hiện ra rằng, những người này bắt đầu giảm chiều cao ở khoảng tuổi 30 và mức độ giảm thay đổi tùy giai đoạn.
Trung bình, nam giới thấp đi 3 cm và nữ thấp đi 5 cm trong giai đoạn từ 30 đến 70 tuổi. Đến năm 80 tuổi, nam thấp đi 5 cm và nữ thấp đi 8 cm. Nguyên nhân chủ yếu là do xương bắt đầu thoái hóa và vỡ dần theo tuổi tác.
Mặc dù một thay đổi nhỏ về chiều cao ở người già là điều bình thường, nhưng thay đổi quá nhiều (hơn 5 cm) có thể là một vấn đề. Đây có thể là dấu hiệu của một căn bệnh làm cho xương trở nên giòn, quá yếu và dễ bị gãy.
Khi cơ yếu đi, đặc biệt là các cơ hỗ trợ xương sống, thì xương sống có thể bị cong và người đó bị còng lưng. Tình trạng này cũng làm bạn trông thấp hơn. Cơ quá yếu cũng có thể gây ra đau lưng và các vấn đề về cân bằng.
Một số người có thể bị gù, như người đàn ông này, khiến cho họ trông càng thấp hơn.
Xương giống như một ma trận liên kết với nhau. Ma trận xương được tạo thành chủ yếu từ protein collagen và các khoáng chất hydroxyapatite.
Khi một người mất đi khối lượng xương thì những cấu trúc liên kết giống như những chiếc cầu của xương trở nên yếu đi và chỉ cần những tải trọng rất nhỏ thêm vào xương cũng có thể gây ra các vết nứt rất nhỏ và làm gãy những cầu xương yếu đó.
Các tổn thương xương dù rất nhỏ như vậy cứ tích tụ dần và có thể gây ra loãng xương, khiến cho xương mỏng, giòn và yếu.
Loãng xương có thể gây ra tổn thương xương lớn hơn, thường xảy ra ở cột sống, hông và cánh tay, đồng thời có thể làm giảm chiều cao. Năm 2021, nhóm nghiên cứu đã gặp một trường hợp mất đến 20 cm chiều cao.
Giảm chiều cao cũng có thể do tư thế đứng không bình thường. Cột sống bị vẹo hoặc cong nghiêm trọng về phía trước có thể dẫn đến việc lưng trên bị cong vĩnh viễn, và làm giảm chiều cao tổng thể.
Cơ bắp cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm chiều cao ở người có tuổi. Tình trạng mất cơ bắp do lão hóa liên quan đến cấu trúc xương kém và rất dễ dẫn đến mất xương. Cơ bắp ở phần thân người mà yếu cũng làm người đó giảm khả năng đứng thẳng.
Vậy bạn có thể làm gì để không bị thấp đi khi có tuổi? Chắc chắn là có. Nếu bạn ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và thỉnh thoảng có các hoạt động vận dưới ánh nắng thì xương và cơ của bạn sẽ khỏe mạnh và khi già bạn sẽ không bị thấp đi nhiều.
Người cao tuổi sẽ giảm chiều cao tùy cơ thể mỗi người. (Ảnh: Getty Images).
Một điều nữa có thể bạn không nhận ra là ngay cả khi còn trẻ, chiều cao của bạn cũng thay đổi trong ngày. Bạn có chiều cao tối đa khi mới thức dậy vào buổi sáng, nhưng thấp đi có thể đến 2,5 cm trong vòng 3 tiếng sau khi ra khỏi giường.
Đó là vì khi bạn ngủ, cơ thể bạn nghỉ ngơi, nhờ đó nước hồi trở lại nhân nhầy của đĩa đệm trong cột sống. Nhưng khi bạn ra khỏi giường, áp lực đè lên các đĩa đệm này lại làm chúng mất nước và bạn trở nên thấp đi một chút.
Vì thế, nếu bạn thực sự muốn thấy chiều cao tối đa, hãy đo ngay sau khi ra khỏi giường vào buổi sáng.