Các chất gây ô nhiễm biến ếch đực thành ếch cái

  •  
  • 655

Theo nghiên cứu này thì các kết quả nghiên cứu có thể lý giải đuợc ít nhất một nguyên do vì sao có đến một phần ba loài ếch trên thế giới đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Trong phòng thí nghiệm tại trường đại học Uppsala Thụy Điển, hai loài ếch được cho tiếp xúc với estrogen với liều lượng tương đương với liều lượng estrogen được tìm thấy trong các nguồn nước thiên nhiên ở Châu Âu, Hoa Kỳ và Canada.

Kết quả thật giật mình: trong khi phần trăm những con cái trong hai nhóm thí nghiệm là dưới 50% -- không bất thường ở loài ếch – thì tỉ lệ giới tính trong 3 cặp của 2 nhóm sống trong môi trường nuớc chứa liều lượng estrogen khác nhau đã bị biến đổi một cách đáng kể.

Bức ảnh chụp con Philautus Femoralis, môt loài ếch cây hiếm, ở Công Viên Quốc Gia Horton Plains (Sri Lanka).

Bức ảnh chụp con Philautus Femoralis, môt loài ếch cây hiếm, ở Công Viên Quốc Gia Horton Plains (Sri Lanka). Những con ếch này bắt đầu cuộc sống là nòng nọc đực, đã bị biến thành con cái trong thí nghiệm bởi các chất gây ô nhiễm giống estrogen, các chất tương tự như những chất được tìm thấy ở môi trường bên ngoài.

Ngay cả những con nòng nọc tiếp xúc với hormone này với liều lượng thấp nhất, ở một trong 2 nhóm, cũng có khả năng trở thành con cái gấp 2 lần so với bình thường.

Quần thể của hai nhóm ếch tiếp xúc với lượng estrogen cao nhất đã trở thành gần như là giống cái ở mức 95% trong một nhóm, và hoàn toàn là giống cái 100% ở nhóm kia.

“Các kết quả này thật đáng báo động,” đồng tác giả Cecilia Berg, nhà nghiên cứu về chất độc môi trường nói. “Chúng tôi nhận thấy những thay đổi rất lớn này khi cho những con ếch tiếp xúc với một chất đơn lẻ. Trong thiên nhiên, có thể có nhiều hợp chất khác hoạt động cùng với nhau.”

Bà Berg giải thích rằng, những nghiên cứu trước đó ở Mỹ cho biết nguyên nhân của sự đảo ngược giới tính tương tự ở những con ếch đực thuộc loài Rana pipien - một trong hai loài được sử dụng để thí nghiệm – sống trong hoang dã là do thuốc trừ sâu, loại thuốc sản xuất ra các hợp chất giống như estrogen.

"Thuốc trừ sâu và các chất hoá học công nghiệp khác có khả năng hoạt động như hormone estrogen trong cơ thể,” bà Berg cho biết. “Đó là điều đã thúc đẩy chúng tôi thực hiện thí nghiệm này,”

Loài ếch còn lại được thí nghiệm là loài ếch phổ biến ở Châu Âu có tên Rana temporaria. Một số con đực bị thay đổi giới tính trở thành những con cái với các chức năng hoàn chỉnh, trong khi những con bị thay đổi giới tính khác thì có buồng trứng nhưng không có vòi trứng, khiến chúng trở nên vô sinh, bà Berg giải thích.

Bà cho biết, nghiên cứu này không đo đạc ảnh hưởng tiềm tàng của sự thay đổi giới tính ở loài ếch do các chất ô nhiễm gây ra, mà những hàm ý của nghiên cứu này khiến người ta phải lo lắng. “Dĩ nhiên nếu tất cả các con ếch đều trở thành con cái thì ắt hẳn sẽ có ảnh hưởng không tốt đến quần thể này,”

Bà nói thêm, biện pháp cứu chữa duy nhất hiện giờ là phải cải thiện việc xử lý chất thải trong các khu vực nơi ếch và các động vật lưỡng cư khác có thể bị ảnh hưởng, để loại bỏ lượng estrogen đến từ các thuốc tránh thai và các chất gây ô nhiễm công nghiệp khác.

Thanh Vân

Theo AFP, Sở KH & CN Đồng Nai
  • 655