Vì sao đế chế Ottoman hùng mạnh sụp đổ?

  •   52
  • 3.960

Đế chế Ottoman là một trong những đế chế vĩ đại nhất, hùng mạnh nhất trong lịch sử nhân loại. Tồn tại hơn 600 năm, từ cuối thế kỷ 13 (1299) đến thế kỷ 20 (1923), lãnh thổ của đế chế Ottoman trải rộng trên vùng diện tích 5,6 triệu km².

Hành trình 624 năm ra đời, phát triển hùng mạnh rồi dần lụi tàn của Đế chế Ottoman được lịch sử ghi lại như thế nào, National Geographic sẽ đưa độc giả tìm hiểu vấn đề.

Đế chế Ottoman (còn được gọi là Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ)
Ở thời kỳ hưng thịnh nhất, lãnh thổ của Đế chế Ottoman gồm các vùng Tiểu Á, Trung Đông, nhiều phần ở Bắc Phi...

Đế chế Ottoman (còn được gọi là Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ) phát triển từ một thành trì của Thổ Nhĩ Kỳ ở bán đảo Anatolia thành một quốc gia rộng lớn. Ở thời kỳ hưng thịnh nhất, lãnh thổ của Đế chế Ottoman gồm các vùng Tiểu Á, Trung Đông, nhiều phần ở Bắc Phi, và đa phần đông nam châu Âu đến tận Kavkaz. Phía Bắc giáp tận Vienna, Áo – Phía Đông giáp Vịnh Ba Tư – Phía Tây giáp Algeria – Phía Nam giáp Yemen.

Thành công của Đế chế Ottoman nằm trong hệ thống quản lý tập trung của những người đứng đầu. Việc nắm trong tay một số tuyến thương mại sinh lợi nhất thế giới, giúp cho đế chế này nhanh chóng có được sự giàu có. Trong khi đó, hệ thống quân sự được tổ chức hoàn hảo giúp cho Ottoman nắm trong một trong những đội quân mạnh nhất trong lịch sử.

Nhưng, Đế chế Ottoman cũng không nằm ngoài quy luật Trỗi dậy rồi phải Sụp đổ. Hơn 6 thế kỷ Đế chế Ottoman trỗi dậy mạnh mẽ từ Anatolia, cuối cùng nó đã sụp đổ một cách thảm khốc trong bối cảnh Thế chiến thứ nhất của nhân loại.

Đế chế trỗi dậy mạnh mẽ

Đế chế Ottoman được thành lập lần đầu tiên ở vùng tây bắc Anatolia ngày nay (Tiểu Á) bởi Osman I, một thủ lĩnh bộ lạc Thổ Nhĩ Kỳ du mục, vào cuối những năm 1200.

Cuối thế kỷ 13, Osman I bắt đầu chinh phục khu vực Anatolia bằng cách phát động các cuộc tấn công chống lại Đế chế Byzantine (Đế quốc Đông La Mã) đang suy yếu.

Khoảng năm 1299, ông tuyên bố mình là lãnh đạo tối cao của Tiểu Á, và những người kế vị của ông đã mở rộng ngày càng xa hơn vào lãnh thổ Đế chế Byzantine với sự giúp đỡ của lực lượng quân đội đánh thuê từ bên ngoài.

Đến giữa thế kỷ 14, người Ottoman đã tiến về phía tây và chiếm quyền kiểm soát Balkan. Chỉ 100 năm sau, Đế quốc Ottoman đã giúp lật đổ Đế chế La Mã, và đến thế kỷ 17, Đế chế Ottoman đã mở rộng sang các khu vực ở phía tây châu Á, đông nam và trung tâm châu Âu, bắc và đông bắc châu Phi, và vùng Kavkaz.

Tính đến thời điểm đó, lãnh thổ Đế quốc Ottoman bao phủ 5,1 triệu km vuông và kiểm soát dân số khoảng 15 triệu người. Đế quốc Ottoman trở thành một trong những đế chế lớn nhất và hùng mạnh nhất trong lịch sử loài người.

Vào năm 1453, hậu duệ của Osman, gọi là Ottoman, cuối cùng đã khiến Đế quốc Byzantine phải quỳ phục khi người Ottoman chiếm được "thành phố không thể chinh phục" Constantinople. Thành phố được đặt tên theo Constantine, hoàng đế Kitô giáo đầu tiên của Rome, sau đó được biết đến với cái tên Istanbul.

Đế chế Ottoman mở ra một triều đại mới, lấy thủ đô là Istanbul, tiếp tục mở rộng bờ cõi lãnh thổ rộng khắp Balkan, Trung Đông và Bắc Phi.

Dưới triều đại của Suleiman I (hay Suleiman nhà làm luật) – vị Sultan (Quốc vương) thứ 10 và trị vì lâu nhất nhất của Đế chế Ottoman, đã đưa Ottoman bức vào thời kỳ hưng thịnh nhất trong lịch sử từ thế kỷ 16 trở đi.

Lịch sử thế giới công nhận Suleiman I (1494-1566) là nhà quân chủ nổi tiếng nhất châu Âu thế kỷ 16. Với thành tựu tái xây dựng hệ thống pháp luật nhà Ottoman, ông là người làm nên sự tột đỉnh vinh quang của nền quân sự, chính trị và kinh tế của Đế chế Ottoman.

Không những thế, dưới triều đại của ông, nghệ thuật, kiến trúc của Ottoman phát triển mạnh mẽ, đạt đến tầm cao mới.

Tất nhiên, không thể không có góc tối của một đế chế hùng cứ một vùng rộng lớn như thế trong lịch sử. Vẫn còn những đấu đá, tranh giành quyền lực giữa hoàng thân quốc thích của các Sultan. Vẫn còn những nô lệ phải lao động và buộc phải vào quân ngũ, phục vụ cho nhà nước. Song, nhìn chung, người dân của đế chế nói chung được hưởng hòa bình, tự do tôn giáo, ổn định kinh tế và chính trị.

Đế chế Ottoman bắt đầu sụp đổ

Vào thời kỳ đỉnh cao, Đế chế Ottoman là một thế lực đáng gờm trong bản đồ chính trị châu Âu và là nơi có nhiều Kitô hữu hơn người Hồi giáo. Nhưng bước vào thế kỷ 17, Đế chế Ottoman bắt đầu mất đi thành trì.

Đến thế kỷ 19, Đế chế Ottoman suy yếu thực sự khi lãnh thổ ngày càng bị thu hẹp
Đến thế kỷ 19, Đế chế Ottoman suy yếu thực sự khi lãnh thổ ngày càng bị thu hẹp.

Dù vẫn thực hiện các cuộc chinh phạt lãnh thổ mới, vùng đất mới nhưng sau thất bại trong việc chinh phục Vienna lần thứ hai vào năm 1683, Đế chế Ottoman bắt đầu suy yếu.

Mưu đồ chính trị trong thời kỳ cai trị của Sultan; các cường quốc châu Âu thay nhau củng cố quyền lực; cạnh tranh kinh tế gay gắt vì các tuyến thương mại mới; và sự khởi đầu của Cách mạng công nghiệp đều làm mất tính ổn định của đế chế một thời vô song.

Đến thế kỷ 19, Đế chế Ottoman suy yếu thực sự khi lãnh thổ ngày càng bị thu hẹp, kinh tế sụt giảm và bắt đầu gia tăng sự phụ thuộc vào phần còn lại của châu Âu.

Các cuộc chiến tranh Balkan (Balkan Wars) trong hai năm 1912 và 1913 đã khiến Đế chế Ottoman hao tổn rất lớn về lãnh thổ và dân số. Cụ thể, Đế chế Ottoman mất 33% lãnh thổ và 20% dân số sau các cuộc chiến diễn ra tại bán đảo Balkan, miền đông nam châu Âu.

Đến giữa thế kỷ 19, Đế chế Ottoman đã thực hiện một cuộc cải cách nhằm hiện đại hóa đất nước, cố gắng lấy lại một phần sức mạnh đã mất. Những nỗ lực này phần lớn không thành công, và trong Thế chiến I, đế chế đã hoàn toàn suy tàn.

Khi Thế chiến thứ nhất (1914-1918) nổ ra, Đế chế Ottoman đã gia nhập một liên minh bí mật với Đức. Cuộc chiến sau đó là thảm họa bởi sự sụp đổ của Đế chế Ottoman là hậu quả trực tiếp từ Thế chiến I. Hơn hai phần ba quân đội Ottoman bỏ mạng trong Thế chiến I và có tới 3 triệu dân thường thiệt mạng.

Trong số đó có khoảng 1,5 triệu người Armenia bị xóa sổ trong các vụ thảm sát và diễu hành tử thần trong khi họ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Ottoman.

Phe Liên minh trung tâm (Đế chế Đức, Đế quốc Áo-Hung…) mà Đế chế Ottoman theo là phe thua trận. Kết cục, Đế chế Ottoman bị Anh, Hy Lạp, Pháp, Ý… chinh phạt và phân chia.

Vào năm 1922, những người theo chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi bỏ vương quốc này, chấm dứt những gì đã từng là đỉnh cao nhất của một trong những đế chế thành công nhất, hùng mạng nhất trong lịch sử.

Tổng cộng, Đế chế Ottoman trải qua 36 đời quốc vương, từ năm 1299 đến 1922. Sau hơn 600 năm tồn tại, Đế chế Ottoman ngày nay vẫn được nhớ đến nhờ sở hữu quân đội hùng mạnh, đa dạng sắc tộc, nền nghệ thuật tinh tế cùng những công trình kiến trúc tuyệt tác. Ảnh hưởng của đế chế này vẫn còn rất mạnh tại quốc gia Thổ Nhỹ Kỳ hiện đại ngày nay.

Cập nhật: 19/07/2024 Trí Thức Trẻ
  • 52
  • 3.960