Các nhà khoa học sốc khi thấy khỉ đầu chó thản nhiên ăn thịt linh dương con

  •  
  • 1.430

Không chỉ sư tử, linh cẩu mà ngay cả khỉ đầu chó cũng là mối đe dọa thường trực với linh dương.

Video ghi lại khoảnh khắc một con khỉ đầu chó thản nhiên vồ bắt rồi ăn thịt linh dương con, bất chấp nỗ lực giải cứu của linh dương mẹ, đã khiến người xem bị "sốc".

Ngay cả các nhà tự nhiên học cũng cảm thấy bất ngờ, vì chưa bao giờ bắt gặp cảnh tượng nào tương tự.

Thông thường, khỉ đầu chó và linh dương gazelle thường lang thang cạnh nhau, cất tiếng kêu cảnh báo cho nhau khi có động vật săn mồi đến gần.

Tuy nhiên trong đoạn video được ghi lại, con khỉ đầu chó đực đầu đàn đã hung hãn tấn công, và thậm chí ăn thịt luôn linh dương con.

Linh dương mẹ thấy thế, liền ngay lập tức lao vào, dùng đầu để húc vào kẻ địch, với hy vọng sẽ xua đuổi được nó.

Thế nhưng con khỉ chẳng mảy may sợ hãi trước sự phản kháng của linh dương mẹ. Nó thậm chí còn dùng cánh tay tát mạnh vào mặt linh dương, nhằm khiến con vật từ bỏ nỗ lực của mình.

Rốt cuộc, con linh dương chẳng thể làm gì ngoài việc chứng kiến đứa con của mình bị ăn sống. Khi con khỉ đầu chó trưởng thành ăn xong, một con khỉ nhỏ hơn tha phần xác còn lại đi.

Linh dương mẹ xả thân giải cứu con non bị ăn thịt bởi khỉ đầu chó
Linh dương mẹ xả thân giải cứu con non bị ăn thịt bởi khỉ đầu chó

Papio, tiếng Việt gọi là khỉ đầu chó hay gọi tắt là khỉ chó, là một chi động vật có vú trong họ Cercopithecidae, bộ Linh trưởng. Chi này lần đầu tiên được nhà tự nhiên học Erxleben miêu tả vào năm 1777.

Chúng là động vật sống ban ngày và trên cạn, đồng thời ngủ trên cây vào ban đêm. Khỉ đầu chó thường sống trong đàn lên đến 200 cá thể, mỗi con ở một nơi theo một hệ thống phân cấp.

Khi đói, khỉ đầu chó có thể ăn bất cứ thứ gì để lấp đầy dạ dày cho mình. Tuy nhiên, thông thường chúng chỉ ăn thực vật và các loại động vật nhỏ như chim, ếch…

Do chế độ ăn phong phú, chúng có thể chiếm cứ các khu vực ít tài nguyên hoặc thậm chí có điều kiện khắc nghiệt. Khả năng sinh tồn là rất cao.

Khỉ đầu chó được coi là loài động vật có ích, vì chúng góp phần cải thiện môi trường sống, chủ yếu từ quá trình đào nước và gieo hạt giống qua chất thải, từ đó khuyến khích tăng trưởng thực vật.

Cập nhật: 04/12/2021 Theo Dân Trí
  • 1.430