Các nhà khoa học tìm ra "gót chân Achilles" của virus Ebola

  •   3,52
  • 2.630

Các nhà khoa học Mỹ tuyên bố đã tìm ra "gót chân Achilles" của virus Ebola, mở ra hy vọng mới cho việc phát triển một loại vắcxin đặc hiệu phòng căn bệnh nguy hiểm vốn đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người này.

Hy vọng mới cho việc phát triển vắcxin phòng ngừa virus Ebola

Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học Trường Y khoa Albert Einstein thuộc Đại học Yeshiva và Viện Nghiên cứu y khoa về các dịch bệnh truyền nhiễm thuộc quân đội Mỹ (USAMRIID), phát hiện virus Ebola có thể bị "vô hiệu hóa" bằng cách hạn chế protein NPC1 có trong các tế bào của con người.

Các nhà khoa học tìm ra "gót chân Achilles" của virus Ebola
Nhân viên y tế tiêm vắcxin Ebola cho một phụ nữ Monrovia. (Nguồn: Reuters)

Các nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng virus Ebola xâm nhập vào tế bào người bệnh bằng cách bám vào NPC1, loại protein có chức năng lưu chuyển cholesterol bên trong tế bào. Tuy nhiên, khả năng người bệnh lây nhiễm virus Ebola sẽ giảm nếu như ngăn chặn được virus gây chết người này bám vào protein NPC1.

Để chứng minh điều này, các chuyên gia đã tiến hành thí nghiệm với ba loại chuột đều bị nhiễm virus Ebola song lại khác nhau về mức độ protein NPC1, gồm chuột không bị tác động về gen, chuột đã được loại bỏ hoàn toàn NPC1 và chuột có cả gen NPC1 thông thường và biến đổi gen NPC1. Kết quả cho thấy con chuột không có sự can thiệp về gen đã chết sau chín ngày nhiễm bệnh, chú chuột thứ hai hoàn toàn miễn dịch trước sự lây lan của virus Ebola.

Trong khi đó, chú chuột thứ ba được ghi nhận có lượng virus Ebola khá cao ở giai đoạn đầu, song lượng này giảm nhanh chóng do hệ miễn dịch của chuột chống chọi được với virus này.

Theo Andrew Herbert, chuyên gia nghiên cứu Khoa Miễn dịch học của USAMRIID và là thành viên nhóm nghiên cứu, nhận định NPC1 là yếu tố cốt lõi giúp cá thể nhiễm Ebola sống sót. Ông cho rằng quá trình sao chép virus Ebola có thể bị ngăn chặn nếu như NPC1 bị phá vỡ.

Trong khi đó, ông John Dye, người đứng đầu chuyên ngành miễn dịch học của USAMRIID đồng thời là đồng trưởng nhóm khoa học trên, cho hay điểm mấu chốt trong quá trình lây nhiễm bệnh Ebola chính là sự phản ứng của hệ miễn dịch trong cơ thể người bệnh và virus Ebola. Người bệnh sẽ chống cự được với virus gây chết người này nếu như kiểm soát được lượng virus Ebola.

Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị Ebola được phép áp dụng tại Mỹ và những liệu pháp đang được nghiên cứu hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc tấn công virus Ebola. Do vậy, việc hạn chế protein NPC1 là phương pháp điều trị trên cơ thể người nhiễm bệnh Ebola đầu tiên được làm sáng tỏ.

Công trình nghiên cứu trên được công bố trên chuyên mục "mBio" của nhật báo điện tử The American Society for Microbiology đăng ngày 26/5./.

Theo VietnamPlus
  • 3,52
  • 2.630