Giữ chất thải cơ thể dưới gầm giường, dùng nước tiểu rửa mặt, không thay quần áo bẩn… là những thói quen “mất vệ sinh” khó đỡ từng hiện diện trong thời kỳ Trung cổ.
Bạn đã bao giờ tưởng tượng mình sẽ sống ra sao nếu không thay quần áo trong vòng một tháng? Hay điều gì sẽ xảy ra nếu bạn rửa mặt mỗi ngày bằng… nước tiểu?
Chắc chắn những việc làm ấy sẽ khiến bạn nổi da gà vì kinh sợ. Tuy nhiên, trong thời kỳ Trung Cổ (thế kỷ V – thế kỷ XV), đây từng là thói quen của không chỉ một người mà hàng trăm ngàn người khác trên hành tinh.
Vậy còn những thói quen “mất vệ sinh” nào từng xuất hiện trên thế giới khi ấy. Hãy cùng tìm hiểu danh sách ngay sau đây để có được câu trả lời.
Một chiếc bô gỗ thời xưa
Việc ra ngoài vào ban đêm nhằm “giải quyết nỗi buồn” từng là điều đáng sợ đối với những người sống ở thời Trung Cổ. Để giải quyết vấn đề này, người châu Âu xưa đã sử dụng bô và các dụng cụ chứa đựng chất thải ngay trong nhà mình.
Khi có nhu cầu, họ chỉ cần đi vệ sinh ngay trong nhà mà không phải ra ngoài. Sản phẩm sẽ được trữ trong bô dưới gầm giường và giữ trong vòng vài ngày sau đó.
Trong suốt thời Trung Cổ, nha sĩ là một khái niệm không hề tồn tại trong xã hội. Vào thời đó, những người bị bệnh răng lợi thường chỉ có một cách chữa trị duy nhất, đó là ra hiệu… cắt tóc.
Ở đây, thợ cắt tóc sẽ dùng kìm giúp họ nhổ răng mà không quan tâm căn bệnh họ mắc là gì. Tất nhiên, dụng cụ thực hiện chẳng mấy khi được vệ sinh một cách sạch sẽ như ngày nay nên không khó hiểu khi bệnh răng miệng sẽ càng nặng thêm sau khi chữa.
Thời Trung Cổ, vua chúa quý tộc thường thuê những người phục vụ riêng chuyên đảm nhận việc vệ sinh cho họ sau khi “giải quyết nhu cầu”.
Những loại lá cây bản to như thế này được người Trung cổ tận dụng một cách tối đa
Còn với thường dân, họ buộc phải tự lo cho bản thân bằng cách sử dụng giấy vệ sinh. Nhưng vì kinh tế eo hẹp nên họ thường xuyên sử dụng các loại lá cây bản to để làm giấy vệ sinh cho mình.
Đối với người bình nghèo, việc có quần áo mặc đã khó huống chi là có nhiều quần áo để thay đổi liên tục
Ở châu Âu thời Trung Cổ, số lượng quần áo may mặc không nhiều và phổ biến. Một người dân trung bình chỉ có 4 bộ quần áo cho mỗi mùa kéo dài 3 tháng. Vì vậy, họ thường xuyên phải mặc quần áo bẩn tới hàng tuần lễ.
Chân dung vua James VI của Scotland - vị quý tộc mặc "bẩn" có tiếng thời Trung cổ
Ngay cả các thành viên hoàng gia cũng có thói quen trên. Vua James VI của Scotland thậm chí mặc quần áo bẩn đi ngủ và không thay trong hàng tháng trời.
Sự nghèo khó và kém phát triển khoa học khiến những ngày "đèn đỏ" trở thành nỗi ác mộng của phụ nữ thời xưa
Thời Ai Cập cổ đại, phụ nữ dùng giấy cói để luôn được sạch sẽ trong những ngày “đèn đỏ”. Trong khi đó, dụng cụ vệ sinh của phụ nữ Hy Lạp lại sử dụng giẻ lau quấn quanh một miếng gỗ nhỏ.
Rêu khô bện với giẻ lau cũng có thể trở thành băng vệ sinh của phụ nữ thời Trung cổ
Nhưng ở nhiều nơi khác trên thế giới, nhiều phụ nữ thậm chí sử dụng rêu, da động vật làm băng vệ sinh vì nghèo khó.
Giới quý tộc châu Âu xưa tin rằng, khả năng sát khuẩn của nước tiểu rất tốt cho làn da. Vì vậy, phụ nữ trong gia đình hoàng gia xưa rất ưa dùng nước tiểu để chăm sóc da mặt của mình.
Ngoài ra, họ cũng trộn nước tiểu với dung dịch kiềm để giặt quần áo. Tới thời kì Victoria (khoảng thế kỷ XIX), nước tiểu và rượu thậm chí còn được coi là chất khử trùng trong y học.
Những mái tóc dày, xoăn và bồng bềnh luôn là niềm mơ ước của phụ nữ thời Trung Cổ, nhất là trong các gia đình thượng lưu, quyền quý.
Vì vậy, trong các buổi tiệc linh đình, không ít chị em sử dụng mỡ động vật để có bộ tóc đẹp như ý. Những bộ tóc này có bề ngoài trông rất đẹp song lại bốc mùi khó chịu và rất dễ bắt lửa.
Để che giấu mùi hôi khó chịu của tóc, phụ nữ thời đó thường sử dụng thêm tinh chất nước hoa đậm đặc.
Đối với các kị sĩ Trung Cổ, các vết thương nhiễm trùng luôn gây ra sự khó chịu. Vì thế, họ thường xuyên tìm đến các thợ rèn để chữa trị.
Ở đây, thợ rèn sẽ dùng thanh sắt nung nóng đỏ để làm cháy các vết thương hở của bệnh nhân. Họ quan niệm rằng tuy phải chịu đau đớn song nhiệt độ của thanh sắt cũng sẽ tiêu diệt vi khuẩn và vi trùng của vết thương.
Tàn nhang - nỗi khiếp sợ của phụ nữ thời Trung Cổ
Thời xưa, tàn nhang và mụn trứng cá luôn được coi là nỗi kinh hoàng của các chị em. Vì vậy, phụ nữ châu Âu xưa đã nghĩ ra một phương pháp làm đẹp: dùng lưu huỳnh bột để xoa mặt.
Bột lưu huỳnh - thứ mỹ phẩm trị tàn nhang cực kì nguy hiểm mà phụ nữ xưa không hề hay biết
Họ tin rằng cọ xát lưu huỳnh lên da mặt hàng ngày sẽ giúp giảm thiểu sự xuất hiện của tàn nhang nhanh chóng. Thói quen này chỉ biến mất khi các nhà khoa học phát hiện ra lưu huỳnh bột rất nguy hiểm với con người chứ không có tác dụng như chị em lầm tưởng.