Năm 1832, một nhóm người nhập cư gốc Ailen được giao nhiệm vụ xây dựng đoạn đường sắt gần bang Philadelphia, Mỹ. Tuy nhiên, công việc mới chỉ bắt đầu thực hiện trong một vài tuần thì bỗng nhiên họ chết hàng loạt.
Nguyên nhân được xác định là do bệnh tả và ngay lập tức, thi thể họ được chôn trong một ngôi mộ tập thể. Kể từ đó, gia đình của những người xấu số này không bao giờ biết chính xác được điều gì đã xảy ra với họ.
Gần 180 năm sau, các nhà nghiên cứu cho biết, đã tìm ra được thông tin rõ ràng hơn về số phận của những người đàn ông đó.
Bức ảnh chụp ngày 2/8/2010 cho thấy một hộp sọ người
được cho là của nạn nhân vụ thảm sát.
Tuy nhiên, nỗ lực to lớn của họ trong việc khai quật, nhận dạng sẽ gặp nhiều khó khăn vì không thể tiếp cận ngôi mộ. Mặc dù vậy, họ vẫn có đủ bằng chứng chứng minh rằng một số lao động trong số đó là nạn nhân của một vụ giết người chứ không đơn thuần chết do bệnh tật, nhà sử học Frank và Bill Watson nói.
Trong khi khả năng tìm thấy những bộ xương không cao hoặc có thể chúng đã bị vỡ vụn gây khó khăn cho việc kiểm chứng ADN, thì một bộ hài cốt đầy đủ được phát hiện ngoài ngôi mộ chính là “nhân chứng” cho biết điều gì đã xảy ra trong quá khứ.
Dự án bắt đầu từ gần một thập kỷ trước với mục đích làm rõ số phận thực sự của 57 công nhân đến từ Ailen - những người tham gia xây dựng tuyến đường sắt Philadelphia và Columbia.
Dòng chữ trên tượng đài bằng đá đặt ở phía đông thành phố Whiteland ghi lại rằng những người nhập cư chết vì bệnh bạch hầu vào năm 1834. Tuy nhiên, theo một số thông tin cuối cùng mà người ông của Watson để lại - người đã làm việc cho ngành đường sắt vào thời gian sau cái chết của nhóm người Ailen - thì họ đã chết hai năm trước đó. Nguyên nhân là do bệnh tả.
Vậy nhưng, điều đáng chú ý là không phải tất cả họ đều mắc bệnh này. Vậy thì điều gì dẫn đến cái chết của những người không bị bệnh?
Giả thuyết được đưa ra là trong khi bệnh dịch tả giết chết nhiều người lao động, số nạn nhân còn lại có thể đã bị giết bởi những kẻ chống lại người Ailen, hoặc có thể do nỗi sợ hãi nếu căn bệnh này lây lan.
Frank và Bill Watson đã làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực nhân chủng học, pháp y và địa vật lý. Nhóm nghiên cứu bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình ở một thung lũng nhỏ.
Năm 1832, địa điểm xây dựng tuyến đường sắt nằm ở vị trí khoảng 20 dặm về phía tây Philadelphia. Hơn một thế kỷ sau đó, vào tháng 3 năm 2009, các nhà khoa học tìm thấy một xương ống chân người. Trong hai năm tiếp theo, 6 bộ xương khác được khai quật cùng với bộ thứ bảy đã bị phá hủy khiến Watson phỏng đoán rằng họ bị giết bởi lính canh khi biết mình đã mắc bệnh và đang cố gắng rời khỏi trại.
Nhà nhân chủng học Janet Monge đến từ Đại học Pennsylvania cũng tìm thấy bằng chứng của một vụ bạo lực ở phần hộp sọ bị chấn thương và dường như đó là vết thương do đạn.
Các nhà nghiên cứu đang tiến hành khảo sát tại khu vực gần ngôi mộ tập thể.
Theo bản báo cáo, ban đầu, những nạn nhân được chôn cất riêng biệt trong mỗi chiếc quan tài. Nhưng về sau, số còn lại chết vì bệnh tật hay bạo lực đều bị “tống” xuống hố chôn tập thể gần đường sắt.
Việc xác định vị trí ngôi mộ gặp rất nhiều khó khăn. Hệ thống ra-đa tìm kiếm khu đất bên dưới tượng đài bằng đá đã không thể mang lại kết quả gì.
Gần đây, nhà địa vật lý Tim Bechtel với kỹ thuật hiện đại và tinh vi hơn đã phát hiện nơi cất giữ hài cốt có khả năng ở gần tượng đài nhưng nằm sâu hơn 9m so với mặt đất. Đến đây lại nảy sinh vấn đề khác vì nếu tiến hành khai quật sẽ ảnh hưởng lớn đến tuyến đường sắt cho nên không thể đào bới khu vực này. Tuy vậy, Frank Watson không hề thất vọng vì điều quan trọng nhất là lịch sử đã không còn bị chôn vùi và lấp liếm.
Với số hiện vật ít ỏi thu được, nhóm nghiên cứu đã xác định được danh tính một nạn nhân 18 tuổi tên là John Ruddy, dựa trên kích thước xương và danh sách hành khách đi trên con tàu khởi hành từ Ailen đến Philadelphia 4 tháng trước khi họ chết.
Dennis Downey - Giáo sư lịch sử thuộc Đại học Millersville chia sẻ phát hiện này cung cấp cái nhìn sâu sắc về thái độ đối với người nhập cư vào thế kỷ 19 ở Mỹ.
Trong một tuyên bố mới, ông Michael Collins - Đại sứ Ailen tại Mỹ cho biết ông rất ấn tượng với câu chuyện của những người nhập cư “đến đây với niềm lạc quan và hy vọng rồi chết đi trong bí mật và bi kịch”.
“Câu chuyện của họ cần phải được kể ra. Nhiều người lao động từ Ailen đã góp phần vào việc xây dựng nước Mỹ nhưng họ không có được cuộc sống thoải mái, dễ dàng", Collins nói thêm.