Cảnh báo "siêu xoáy nước" ở Nam Cực ảnh hưởng số phận nhân loại

  •   2,54
  • 375

"Siêu xoáy nước" ở Nam Cực này có khả năng ảnh hưởng tới số phận nhân loại, theo nghiên cứu khoa học mới nhất vừa công bố.

Nghiên cứu cho thấy có vẻ như Nam Cực đang gặp rắc rối lớn. Một vòng xoáy đại dương khổng lồ bao quanh lục địa này dường như đang tăng tốc độ lên nhanh hơn và trở nên nguy hiểm hơn gần đây.

"Siêu xoáy nước" ở Nam Cực mạnh nhất hành tinh

Thể tích xoáy của vòng xoáy đại dương này lớn hơn 100 lần so với tất cả các con sông trên thế giới cộng lại. Điều gì có thể đã gây ra vòng xoáy này? Có thể là do biến đổi khí hậu, các nhà khoa học cho biết.

Xoáy nước
Thể tích xoáy của vòng xoáy đại dương Nam Cực lớn hơn 100 lần so với tất cả các con sông trên thế giới cộng lại - (Ảnh: Ladbible.)

Kết luận này được dẫn từ một nghiên cứu mới, đối chiếu và phân tích hoạt động của vòng xoáy đại dương Nam Cực trong 5,3 triệu năm qua. Nghiên cứu sử dụng lõi trầm tích lấy từ các vùng nước xa nhất và gồ ghề nhất trên Trái đất để phân tích.

Vòng xoáy đại dương còn được gọi là dòng hải lưu Nam Cực (ACC) này hoạt động chậm lại trong những khoảng thời gian lạnh hơn, ví dụ như vào bất kỳ kỷ băng hà nào. Giờ đây, nó bắt đầu tăng tốc khi thời tiết ấm hơn, giống như thời kỳ chúng ta đang sống, do sự nóng lên toàn cầu.

Theo các nhà khoa học tại Đại học Columbia (Hoa Kỳ), cộng đồng khoa học lo ngại tốc độ ngày càng tăng của vòng xoáy đang góp phần làm tăng mực nước biển toàn cầu, trong khi băng ở Nam Cực tiếp tục tan chảy.

Tiến sĩ Gisela Winckler, làm việc tại Đài quan sát Trái đất Lamont-Doherty ở Columbia, đồng tác giả của nghiên cứu mới này, tuyên bố: "Đây là dòng chảy mạnh nhất và nhanh nhất trên hành tinh, được cho là dòng chảy quan trọng nhất của hệ thống khí hậu Trái đất".

Cô cũng nói thêm những phát hiện mới này đã liên kết băng ở Nam Cực với tốc độ dòng chảy của dòng hải lưu Nam Cực bằng phương pháp toán học.

Trái đất nóng lên là nguyên nhân

Tiến sĩ Winckler gọi những phát hiện mới là "một kịch bản", rằng "ngày nay chúng ta đang quan sát tình trạng nóng lên toàn cầu" thông qua những diễn biến bất thường trên Trái đất, từ những khu vực gần nhất đến những vùng xa xôi hẻo lánh nhất.

Do gió tây, dòng hải lưu Nam Cực xoay theo chiều kim đồng hồ quanh Nam Cực với tốc độ trung bình 4km/h, mang theo khoảng 169 triệu mét khối nước mỗi giây. Dòng nước này sâu đến tận đáy đại dương và trải dài 2.000km theo chiều ngang.

Người ta cũng tin rằng dòng xoáy này xuất hiện từ khi Nam Cực tách khỏi Úc cách đây 34 triệu năm, lúc các mảng kiến tạo của Trái đất dịch chuyển rất nhiều. Nhưng xu hướng hoạt động hiện tại của vòng xoáy chỉ bắt đầu khoảng 12-14 triệu năm trước.

Một nghiên cứu khác có sự tham gia của 40 nhà khoa học từ 12 quốc gia đã được công bố trên tạp chí Nature. Một số người trong đó đã lên một tàu khoan nhằm lấy mẫu trầm tích từ đáy đại dương.

Có thời điểm, con tàu và thủy thủ đoàn phải đối mặt với những con sóng cao hơn 18 mét, nhưng cuối cùng họ đã lấy được mẫu trầm tích. Từ đó, các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật tia X để phân tích kích thước thay đổi của các hạt bên trong.

Các hạt nhỏ hơn lắng đọng nhiều hơn, khi dòng hải lưu hoạt động chậm hơn. Các hạt lớn hơn có đủ trọng lượng để rơi xuống đáy đại dương khi dòng hải lưu Nam Cực tăng lên. Nghiên cứu tiết lộ một số thời kỳ dòng hải lưu Nam Cực thay đổi tốc độ phù hợp với những thay đổi mạnh mẽ về khí hậu chung của Trái đất mà chúng ta đã biết.

Dữ liệu mới này được so sánh với các nghiên cứu trước đây thực hiện về dải băng Tây Nam Cực, chứng minh thêm rằng các giai đoạn dòng chảy nhanh của dòng hải lưu Nam Cực trùng khớp với thời điểm băng ở Nam Cực thu nhỏ lại.

Tiến sĩ Frank Lamy, từ Viện Alfred Wegener tại Đức, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, giải thích: "Việc giảm thể tích băng này có thể do sự vận chuyển nhiệt về phía nam tăng lên. Dòng hải lưu Nam Cực hoạt động mạnh hơn nghĩa là sẽ có nhiều dòng nước sâu, ấm hơn chạm tới rìa thềm băng của Nam Cực".

Cập nhật: 04/04/2024 Tuổi Trẻ
  • 2,54
  • 375