Năm 2015, liệu chúng ta có quên mất là mạng Internet đang tồn tại? Internet sẽ tiến hóa nhanh tới mức con người không thể theo kịp hay nó sẽ làm loài người cảm thấy cực kỳ cô đơn?
>>> WWW - 25 năm thay đổi thế giới
Danh hài Charlie Chaplin đã từng nói rạp chiếu phim chỉ là mốt nhất thời. Năm 1936, báo The New York Times viết “tên lửa sẽ không bao giờ bay khỏi bầu khí quyển trái đất”. Năm 1955, tạp chí Variety tuyên bố nhạc rock n' roll sẽ biến mất vào tháng Sáu năm đó. Thật khó để dự đoán được tương lai, nhưng điều này không thể ngăn các nhà nghiên cứu phát huy trí tưởng tượng của mình.
Thứ Ba vừa qua, dự án Internet Project của Pew Research và Trung tâm Imagining The Internet Center thuộc Đại học Elon đã xây dựng hình ảnh về đời sống trực tuyến năm 2015 bằng cách tổng hợp dự đoán của các viện nghiên cứu và các nhà khoa học. Dưới đây là những dự đoán thú vị nhất:
“Mạng Internet (và các hoạt động giao tiếp lấy máy tính làm trung gian nói chung) sẽ được sử dụng phổ biến hơn, nhưng sẽ tồn tại dưới những hình thức khó nhìn thấy bằng mắt thường hơn . Ở mức độ nào đó, nó sẽ ẩn phía sau tất cả những gì chúng ta làm”, theo lời ông Joe Touch, giám đốc Viện Khoa học Thông tin của Đại học Nam California.
Với các nguồn kiến thức đã có như Wikipedia và Khan Academy, mạng Internet hiện đang cho phép chúng ta truy cập một nền giáo dục chưa từng có trước đây. Nhiều học giả tin rằng những nguồn thông tin này chỉ có thể ngày càng tốt hơn, tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn. Ông Hal Varian, giám đốc kinh tế của Google, tin rằng “tác động lớn nhất của Internet lên thế giới sẽ là phổ cập đường truy cập vào kho kiến thức của loài người. Hiện tại, biết đâu người thông minh nhất thế giới đang bị mắc kẹt ở góc nào đó tại Ấn Độ hay Trung Quốc. Việc tạo điều kiện học tập cho người đó – và hàng triệu người như anh ta hoặc cô ta – sẽ có tác động sâu sắc tới sự phát triển của nhân loại”.
Nhà triết học Marshall McLuhan đã từng nói: “Chúng ta làm ra các công cụ, và các công cụ lại làm ra chúng ta”. Rất nhiều nhà bình luận tham gia cuộc khảo sát của Pew đồng ý với điều đó. Khi công nghệ tiến bộ và tiến hóa ở tốc độ chưa từng có, xuất hiện mối lo ngại rằng chúng ta không thể nhận ra những hậu quả và cạm bẫy tiềm tàng. Nỗi lo sợ là con người sẽ không thể nhận thấy và nắm bắt đầy đủ những gì họ đang nhúng tay vào, những gì họ đang đồng thuận và những gì họ đang gây ra trên mạng trực tuyến. Một người tham gia cuộc khảo sát đã viết: “thông tin mà chúng ta cần sẽ tự tìm đường đến với chúng ta, khi mạng Internet biết cách dự đoán chính xác sở thích và cả điểm yếu của người dùng. Điều đó sẽ xúi giục chúng ta ngừng tìm kiếm tri thức, giới hạn tầm nhìn của chúng ta”.
“Khi mỗi người trên hành tinh này đều có thể tiếp cận và liên lạc qua lại với tất cả những người khác, sức mạnh của nhà nước quốc gia trong việc kiểm sát từng người dân trong biên giới địa lý sẽ dần giảm xuống”, theo ông David Hughes, một nhà tiên phong ở lĩnh vực viễn thông, phát biểu trong buổi phòng vấn với Pew.
Ông Bob Briscoe, giám đốc nghiên cứu của hãng viễn thông British Telecom (Anh), lo ngại rằng trong khi Internet khiến con người tương tác với nhau nhiều hơn, nó có thể cũng khiến các mối quan hệ giữa người với người trở nên hời hợt và thiếu bền vững.
Một số học giả khác tin rằng kết nối toàn cầu sẽ dẫn tới sự cô lập cục bộ, rằng “ngôi làng thế giới” đem lại những lợi ích riêng, nhưng cũng khiến chúng ta cảm thấy cô độc.
“Her” là một bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Spike Jonze về tác động của công nghệ hiện đại tới đời sống của con người. Nhân vật chính của phim là một người đàn ông giữa lúc cô đơn vì hôn nhân tan vỡ đã đem lòng yêu một hệ điều hành máy tính. Trong năm 2025, biết đâu kịch bản này sẽ xảy ra ngoài đời thật.