Củ ấu tàu, hay còn gọi là ô đầu, ú tầu, gấu tầu, củ gấu rừng, là rễ của cây ô đầu, thường mọc hoang hoặc được trồng ở các vùng biên giới phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai... Thành phần độc tố chính của củ ấu tàu là aconitin, chất gây tê đầu lưỡi, và các alcalloid khác.
Trong Đông y, chất độc aconitin trong củ ấu tàu được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, nhưng cũng là vị thuốc quý sau khi được bào chế cẩn thận. Rượu ngâm củ ấu tàu thường được dùng để làm thuốc xoa bóp chữa các chứng đau nhức chân tay, tê mỏi, sai khớp, bầm da.
Củ ấu tàu chứa chất độc aconitin có thể gây nguy hiểm tính mạng.
Rượu ngâm củ ấu tàu cũng được người dùng chế biến nhiều dạng như ngâm tươi, khô, thái mỏng sao vàng. Trong dân gian, củ ấu tàu cũng có thể được nấu cháo như loại thuốc bổ. Cách thức chế biến này hoàn toàn theo kinh nghiệm dân gian và không xác định được đã loại hoàn toàn độc tính hay chưa.
Khi ăn cháo hoặc uống rượu ngâm củ ấu tàu có độc tính, các triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện ngay. Người bệnh có cảm giác tê bì quanh miệng, môi, lưỡi, nôn, rối loạn hệ thần kinh, co giật, nặng hơn là gây rối loạn nhịp tim. Các triệu chứng này có thể gây trụy mạch, trụy huyết áp, dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Bác sĩ chuyên khoa I Đỗ Tiến Anh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, cảnh báo do củ ấu tàu rất độc, người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng. Ngoài ra, mọi người không được tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách loại bỏ độc tố, đặc biệt tránh uống rượu ngâm loại củ này.
Các loại rượu ngâm củ ấu tàu dùng để xoa bóp phải được dán nhãn rõ ràng, cất giữ cẩn thận, tránh xa tầm tay trẻ em. Khi có biểu hiện ngộ độc, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện để xử trí kịp thời.