Năm 2020, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ dự định cho lưu hành tờ 20 đô Mỹ có chân dung của một phụ nữ người Mỹ gốc Phi, bà Harriet Tubman thay thế hình ảnh tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ là ông Andrew Jackson.
Cái tên Harriet Tubman chắc chắn không phải là của vị tổng thống Mỹ nào rồi. Và nếu sự thay đổi này được thực hiện, bà Tubman sẽ là người Mỹ da đen đầu tiên, cũng là người phụ nữ thứ ba xuất hiện trên tờ dollar Mỹ.
Bà Harriet Tubman - người phụ nữ thứ 3 từng xuất hiện trên tờ đô Mỹ
Điều này thì đi ngược lại với những gì một trong số chúng ta đã nghĩ bấy lâu nay, đó là chỉ có cựu tổng thống mới có thể có mặt trên tờ tiền của quốc gia này. Nhưng thực tế thì chân dung trên tờ USD không nhất thiết phải là của một tổng thống.
Nếu bạn để ý thì sẽ thấy trên tờ 10 USD và tờ 100 USD hiện nay có mặt của Alexander Hamilton và Benjamin Franklin. Cả hai đều không phải tổng thống Mỹ: Hamilton là Bộ trưởng Bộ Ngân khố (hay Bộ Tài chính) đầu tiên của Hoa Kỳ. Còn Franklin là người đầu tiên thành lập nên nước Hoa Kỳ, và được vinh danh với đơn vị tiền tệ lớn nhất nước Mỹ hiện nay.
Chân dung in trên các tờ tiền được lưu hành hiện nay.
Năm 1861, nước Mỹ cũng lưu hành tờ 10.000 USD có chân dung của một người tên là Salmon P. Chase. Hẳn là rất nhiều người đang tự hỏi ông Salmon P. Chase là ai? Cho ai chưa biết, ông Chase đã từng giữ rất nhiều chức vụ bao gồm Thượng nghị sĩ tiểu bang Ohio rồi đến Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ và cả Chánh án Tòa án tối cao Hoa Kỳ.
Nhưng ông cũng không phải là tổng thống.
Salmon P. Chase trên tờ tiền 10.000 USD.
Trong giai đoạn từ 1800 đến 1900, rất nhiều chân dung của những người từ các đại tướng trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ, chánh án tòa án tối cao cho đến nhà chính trị, nhà ngoại giao... được in trên một số tờ tiền Mỹ. Trong đó, chỉ có hai người phụ nữ là Martha Washington – phu nhân của tổng thống George Washington trên tờ 1 đô, và bà Pocahontas – người phụ nữ da đỏ mà đã được Disney lấy cảm hứng để dựng thành phim "Pocahontas" trên tờ 20 đô cũ.
Chân dung Martha Washington in trên tờ 1 đô và Pocahontas in trên tờ 20 đô cũ.
Quay trở lại với Harriet Tubman, bà sinh ra đã là nô lệ ở bang Maryland (vào đầu thập kỉ 1820) nhưng đến năm 1849, Tubman đã trốn thoát và đi làm giúp việc cho một gia đình. Khi nghe tin cháu gái của mình sắp bị bán đấu giá vào cuối năm 1850, bà quyết định liều đi giải cứu và nhiệm vụ đầu tiên thành công.
Sau đó, bà tiếp tục trở lại các bang nô lệ để giải phóng nhiều nô lệ khác bất chấp nguy hiểm. Bà đi lại với nhiều phương thức ngụy trang và cùng vũ khí, thiết lập một mạng lưới nhà ở và đường bí mật để tới Canada.
Harriet Tubman giữ vai trò điệp viên cho quân đội Liên bang, đã giúp ích rất nhiều trong việc cung cấp thông tin quan trọng và tổ chức.
Không chỉ là một nhà hoạt động chống lại chế độ nô lệ và thực tế đã giải phóng cho 300 nô lệ, khi Nội chiến Hoa Kỳ bùng nổ thì bà còn giữ vai trò điệp viên cho quân đội Liên bang, đã giúp ích rất nhiều trong việc cung cấp thông tin quan trọng và tổ chức, huấn luyện một vài điệp viên khác.
Như bạn thấy đấy, dù không phải cứ là tổng thống mới có thể xuất hiện trên tờ đô Mỹ nhưng những người đó cũng phải có ý nghĩa to lớn đối với người dân nước này.