Nghiên cứu mới cho thấy cá cầu vồng tự vệ bằng cách dụ kẻ săn mồi tấn công phần đầu sau đó đột ngột đổi hướng để tẩu thoát.
Cá cầu vồng hay cá bảy màu (Poecilia reticulata) có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Với chiều dài trung bình chỉ 2,5 cm, chúng có rất nhiều kẻ thù trong tự nhiên, phổ biến nhất là cá rô phi thân giáo (Crenicichla). Để sinh tồn, loài cá nước ngọt nhỏ bé này đã phát triển một kỹ năng tự vệ rất độc đáo.
Một cặp cá cầu vồng (con đực bên trên). (Ảnh: NUS).
Trong một nghiên cứu được thực hiện gần đây bởi Đại học Exeter của Anh, các nhà sinh vật học nhận thấy cá cầu vồng có khả năng thay đổi màu mống mắt để trông nổi bật hơn, nhằm dụ kẻ thù tấn công về phía đầu thay vì các phần khác trên cơ thể.
Chúng chủ động chờ kẻ săn mồi lao tới, sau đó dùng phản xạ nhanh để quất đầu sang bên và bơi đi. Toàn bộ quá trình chỉ diễn ra trong khoảng 3% giây, nhanh đến mức không thể quan sát bằng mắt thường.
Cảnh quay tua chậm từ camera tốc độ cao cho thấy cá cầu vồng né đòn tấn công của cá rô phi thân giáo. (Video: Đại học Exeter).
"Mắt là một trong những cấu trúc dễ nhận biết nhất trong thế giới tự nhiên. Nhiều loài đã trải qua quá trình tiến hóa lâu dài để phát triển cách ngụy trang mắt, nhằm tránh sự chú ý của kẻ săn mồi. Tuy nhiên, cá cầu vồng lại làm điều ngược lại", Tiến sĩ Robert Heathcote từ Đại học Exeter cho hay.
Chiến thuật tự vệ này rất hiệu quả khi giúp tăng tỷ lệ tẩu thoát thành công của cá cầu vồng lên hơn 38% so với những con không thay đổi màu mắt, theo quan sát của nhóm nghiên cứu. Một phát hiện đáng kinh ngạc khác là cá cầu vồng có kích thước càng lớn, tỷ lệ trốn thoát thành công càng cao.
Mô phỏng chiến thuật tự vệ của cá cầu vồng. (Ảnh: Đại học Exciter).
"Thông thường, động vật càng lớn càng trở nên chậm chạp và dễ bị tấn công hơn. Tuy nhiên, bằng cách đổi màu mống mắt, cá cầu vồng thực sự đảo ngược hiện tượng này. Những con cá lớn hơn với màu mắt đen hơn sẽ có tỷ lệ bị ăn thịt thấp hơn", Heathcote giải thích.
Chi tiết nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Current Biology.