Chim cánh cụt cổ đại cao bằng người từng sống ở lục địa "mất tích" thứ 8 của Trái Đất

  •  
  • 494

Thường được ví như vương quốc mất tích Atlantic trong truyền thuyết, lục địa Zealandia chính thức được công nhận là lục địa thứ 8 và cũng là lục địa nhỏ nhất của Trái đất vào năm 2017.

Zealandia được cho là đã tồn tại song song với 7 lục địa (Á, Âu, Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Đại Dương, Nam Cực) rất nhiều năm trong lịch sử Trái Đất, trước khi phần lớn diện tích bị chìm dần xuống đáy biển ở độ sâu hàng ngàn mét vào khoảng 30-50 triệu năm về trước. 7% diện tích còn lại của Zealandia hiện nằm trên mực nước biển, bao gồm các Đảo Bắc và Đảo Nam của New Zealand, cùng đảo New Caledonia.

Một nghiên cứu được thực hiện mới đây cho thấy, vào thời điểm trước khi chìm xuống biển, lục địa Zealandia có thể từng là quê hương của một loài chim cánh cụt cổ đại có kích thước khổng lồ. Loài chim cánh cụt này được cho là thủy tổ của tất cả các loài chim cánh cụt ngày nay.

Thủy tổ của chim cánh cụt từng sinh sống trên lục địa được cho là lục địa Atlantic
Thủy tổ của chim cánh cụt từng sinh sống trên lục địa thường được ví như vương quốc mất tích Atlantic trong truyền thuyết.

Kết luận này được đưa ra sau khi các nhà khoa học tìm thấy hóa thạch 3 triệu năm tuổi của một con chim cánh cụt cổ đại trên Đảo Bắc của New Zealand vào tháng 8/2020. Hóa thạch này được phát hiện trong tình trạng bảo quản rất tốt, với phần hộp sọ và xương cánh vẫn còn được giữ nguyên vẹn.

Những phân tích sau đó cho thấy hóa thạch này thuộc về một loài chim cánh cụt có mào chưa từng được biết đến trước đây, được đặt tên khoa học là Eudyptes atatu. Khi so sánh xương của Eudyptes atatu với xương của các loài chim cánh cụt có mào thời hiện đại, các nhà khoa học phát hiện cấu trúc xương của chúng khá tương đồng nhau. Điều này có nghĩa, một số loài chim cánh cụt có mào hiện đại có thể là hậu duệ của chim cánh cụt Eudyptes atatu.

Cấu trúc xương của chim cánh cụt cổ đại Eudyptes atatu giống chim cánh cụt có mào
Cấu trúc xương của chim cánh cụt cổ đại Eudyptes atatu rất tương đồng với các loài chim cánh cụt có mào ngày nay.

Theo các nhà khoa học, tổ tiên loài chim cánh cụt Eudyptes atatu đã sống và tiến hóa ở lục địa Zealandia vào 60 triệu năm trước – thời điểm lục địa thứ 8 của Trái Đất còn chưa bị nhấn chìm. Thậm chí, sau khi phần lớn diện tích Zealandia đã chìm dưới nước, chim cánh cụt Eudyptes atatu vẫn tiếp tục sống ở New Zealand trong suốt 10 triệu năm.

Đáng chú ý, những con chim cánh cụt cổ đại này có thể sở hữu kích thước khổng lồ. Vào năm 2017, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng "chim cánh cụt khổng lồ" thời tiền sử cao 1,72m và nặng tới 99kg.

Bản đồ lục địa Zealandia
Bản đồ lục địa Zealandia, với 93% diện tích nằm hoàn toàn dưới biển ở độ sâu hơn 1000m.

Daniel Thomas, nhà động vật học tại Đại học Massey và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết, hóa thạch của chim cánh cụt Eudyptes atatu là "manh mối quan trọng cho thấy New Zealand có thể là một điểm nóng về đa dạng sinh học cho các loài chim biển trong hàng triệu năm". Khoảng thời gian này lâu hơn nhiều so với những gì các nhà nghiên cứu đưa ra trước đây.

Các nghiên cứu trước đó từng cho rằng chim cánh cụt có mào bắt đầu hiện diện ở New Zealand khoảng 7000 năm trước. Điều này cũng có nghĩa, New Zealand có thể là khu vực "khởi nguyên" của tất cả các loài chim cánh cụt trên thế giới.

Cập nhật: 26/09/2020 Theo Pháp luật và bạn đọc
  • 494