Chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới dự tính rót vốn xây dựng các nhà máy bán dẫn nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt chip, vốn đang gây không ít khó khăn cho ngành công nghiệp xe hơi và thiết bị điện tử, đồng thời cho thấy sự lệ thuộc của cả thế giới vào các nhà cung ứng đến từ Đài Loan.
Nhưng ngoài quan điểm chung rằng phải làm điều gì đó để đa dạng hoá nguồn cung, những chia rẽ xoay quanh chiến lược thực hiện đang nổi lên cùng những quan ngại rằng các chính phủ với tiềm lực vô tận có thể gây ra tình trạng đầu tư thừa mứa trong một ngành công nghiệp vốn có tính chu kỳ rất cao.
Theo hãng tin Reuters, chính phủ các quốc gia và khu vực như Mỹ, EU, Nhật Bản... đang cân nhắc đầu tư hàng chục tỷ USD vào các nhà máy sản xuất chip tiên tiến trước nỗi lo hơn 2/3 chip điện toán cao cấp hiện được sản xuất tại Đài Loan. Hồi đầu tuần qua, một chỉ huy của quân đội Mỹ đã phát biểu trước các cơ quan lập pháp nước này rằng nguy cơ Trung Quốc tiếp quản Đài Loan chính là mối quan ngại hàng đầu của quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương.
Chip Intel Tiger Lake.
Trung Quốc cũng đang chi rất nhiều tiền vào ngành công nghiệp chip trong nỗ lực giảm sự lệ thuộc vào công nghệ phương Tây, bao gồm lập nên một quỹ đầu tư trị giá 29 tỷ USD vào năm 2019, khiến chính phủ các nước phương Tây sốt sắng tìm cách "chơi lớn" hơn nữa.
Nhu cầu xây dựng các nhà máy sản xuất chip ngoài châu Á đã thúc giục TSMC và Samsung Electronics - hai nhà sản xuất chip theo hợp đồng duy nhất có đủ khả năng chế tạo những con chip điện toán cao cấp nhất - lên kế hoạch mở các nhà máy mới tại Mỹ và bước vào cuộc chạy đua nhằm chiếm được khoản tài trợ lên đến 30 tỷ USD (hoặc hơn) từ chính phủ nước này.
Và Intel Corp, một cái tên không thể không nhắc đến trong nhóm "Big Three", cũng sở hữu công nghệ để tạo ra những con chip tiên tiến, đã gây sóng gió đáng kể trên "sân chơi" khi tiết lộ kế hoạch mở cửa nhà máy phục vụ khách hàng bên ngoài và xây dựng thêm một nhà máy mới ở châu Âu bên cạnh hai nhà máy mới khác ở Mỹ.
Kết quả là, chúng ta có thể sẽ được chứng kiến một cuộc tái cấu trúc trong ngành công nghiệp bán dẫn, mà người khởi xướng không ai khác ngoài chính phủ các nước, sau hàng thập kỷ các công ty chip Mỹ lẫn châu Âu phải thuê ngoài dây chuyền sản xuất ở Đài Loan và Hàn Quốc với lý do đảm bảo tính hiệu quả cũng như đáp ứng nhu cầu mang sức mạnh điện toán giá rẻ đến hàng tỷ người dùng.
"Chúng ta đang trong một thời kỳ mà mọi quốc gia đều muốn xây dựng nhà máy chip của riêng họ" - theo lời Dan Hutcheson, CEO của VLSI Research.
Tại Nhật Bản, Canon, Tokyo Electron, và Screen Semiconductor Electron sẽ tham gia vào một chương trình trị giá 42 tỷ Yên (tương đương 385 triệu USD) do chính phủ tài trợ, mục đích là hợp tác với các công ty như TSMC để phát triển những con chip 2nm tiên tiến. Nhật Bản muốn đảm bảo khả năng chế tạo được những bán dẫn tiên tiến trong tương lai và hướng đến việc xây dựng một dây chuyền thử nghiệm đặt gần Tokyo với sự trợ giúp từ TSMC.
Thậm chí cả Ấn Độ, quốc gia sở hữu cơ sở hạ tầng sản xuất chip cực kỳ nghèo nàn, cũng hi vọng chế tạo được những con chip của riêng mình và trở thành một trung tâm thiết kế dành cho các công ty chip toàn cầu, thu hút các nhà máy thông qua các chương trình trợ cấp mới.
Trong khi đó, các nhà lập pháp tại Mỹ đang chuẩn bị phê chuẩn 30 tỷ USD hoặc hơn cho các khoản đầu tư vào chip thông qua một dự thảo vốn hiện có của Lầu Năm Góc và nhiều thể thức mới đang được Thượng nghị sỹ Chuck Schumer đề xuất.
Các viên chức địa phương, cũng như các công ty, đã bắt đầu tìm cách để nhận được những khoản tài trợ đó. Tuần qua, Intel đã cam kết với Arizona, bang có một chương trình hỗ trợ thuế hào phóng cũng như một hệ sinh thái sản xuất chip nổi tiếng, và các nhà phân tích tin rằng Intel sẽ là một trong những cái tên nhận được khoản tài trợ lớn từ liên bang.
Nhà máy chip của Intel ở Arizona (Mỹ).
TSMC cũng từng đồng ý xây dựng một nhà máy sản xuất sản xuất chip trị giá 12 tỷ USD ở Arizona, một phần nhằm tuân theo chỉ thị của chính quyền Trump. Về phần Samsung, hãng điện tử Hàn Quốc đang thương thảo xây dựng nhà máy thứ hai tại Austin, Texas.
Cuộc chiến phức tạp nhất diễn ra tại châu Âu, nơi các viên chức EU đang xung đột với chính phủ các quốc gia trong khối về việc liệu châu Âu có nên nhảy vào cuộc đua đầy tốn kém nhằm xây dựng các nhà máy chip máy tính tiên tiến - một chính sách đưa ra bởi giám đốc thị trường nội bộ EU Thierry Breton - hay tiếp tục chiến lược hiện tại là tập trung vào những con chip chuyên biệt. Hướng đi chuyên biệt này cho đến nay vẫn được ủng hộ bởi chính phủ Đức và nhiều công ty khác.
Trong công bố tuần qua của mình, Intel đã thể hiện rõ mong muốn xây dựng nhà máy sản xuất chip tại châu Âu, và trở thành công ty đầu tiên trong top 3 nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới (Big Three) hỗ trợ EU thực hiện mục tiêu tăng gấp đôi thị phần chip cao cấp, lên mức 20%, trong thập kỷ tiếp theo.
"Châu Âu đã rời khỏi cuộc đua từ lâu và không còn nắm được những kỹ thuật cần thiết nữa" - Helmut Gassel, giám đốc chiến lược tại công ty Infineon của Đức, một công ty với chuyên về chip cao cấp và là nhà cung ứng hàng đầu cho ngành công nghiệp xe hơi.
Trong khi đó, sự bực bội đang ngày một tăng cao xoay quanh tiến độ ì ạch của một dự án vi điện tử hiện tại của EU. Chính phủ Đức nói rằng đã có 50 công ty - hầu như toàn bộ đều theo đuổi chiến lược chip chuyên biệt khá thành công trong vài thập kỷ gần đây - đã đăng ký được tiếp nhận vốn từ chương trình.
Kết quả sẽ được phân định vào mùa hè này. Peter Altmaiers, bộ trưởng kinh tế Đức, và người đồng cấp Bruno Le Maire của Pháp, vẫn thường xuyên tiến hành những buổi thảo luận cùng với Breton về khả năng thu hút một gã khổng lồ bán dẫn nước ngoài để cải thiện sức mạnh sản xuất chip tiên tiến của châu Âu - theo tiết lộ từ một viên chức cấp cao thuộc bộ tài chính Pháp.
"Mỗi khi gặp nhau, họ đều nói về chuyện đó. Mục tiêu là phải có được một quyết định vào tháng 6" - viên chức này nói, nhấn mạnh thêm rằng chi phí cho một dự án như vậy có thể lên đến 20 tỷ USD.
Nếu kế hoạch của chính phủ các nước trên thế giới được thông qua, tình hình ngành công nghiệp bán dẫn nhiều khả năng sẽ trở lại như những năm 1970 và 1980, khi mà mỗi quốc gia đều xem chip là "kim bài" đóng vai trò cốt yếu trong hệ thống thông tin liên lạc và quốc phòng.
Nhưng theo Hutcheson của VLSI, nguy cơ đi kèm là việc thế giới sẽ rơi vào tình trạng "thừa mứa" về năng lực sản xuất chip (như đã đề cập đến ở đầu bài), khiến giá chip giảm mạnh và xoá sổ nhiều cái tên đang tồn tại trong ngành công nghiệp, tương tự bối cảnh những năm 1980 khiến hàng loạt nhà máy sản xuất chip từ Úc đến Nam Phi phải đóng cửa.
"Từ góc nhìn của một người nộp thuế, câu hỏi lúc này là, liệu chúng ta có thực sự muốn khởi động một cuộc chiến tranh lạnh mới, nơi mà các nhà máy bán dẫn chẳng khác gì vũ khí hạt nhân, ‘hố đen' hút tài nguyên vô độ, hay không?" - Hutcheson nói.