Từ ý tưởng đó, các nhà khoa học đã lập bản đồ tất cả những nơi trên thế giới có những loài sinh vật chưa được biết đến mà vẫn còn sống cho đến ngày nay.
Trước tình trạng khủng hoảng đa dạng sinh học hiện nay khiến cho nhiều loài sinh vật đang mất đi với tốc độ đáng báo động, thì việc lập bản đồ suy đoán như vậy là cách tốt nhất để chúng ta ghi lại, phân chia và có thể là cứu được những loài động vật trước khi chúng tuyệt chủng.
Đến nay con người mới chỉ biết đến khoảng 13% - 18% trong số toàn bộ sinh vật sống.
Các nhà nghiên cứu ở Trường đại học Yale, Mỹ, cho biết ước tính cho đến nay con người mới chỉ biết đến khoảng 13% - 18% trong số toàn bộ sinh vật sống. Nếu chúng ta không có những cam kết quốc tế về bảo tồn thì những loài chưa được phát hiện cùng những tác dụng của chúng có thể sẽ vĩnh viễn mất đi do sự thờ ơ của chúng ta ngày nay.
Đồng tác giả của nghiên cứu, Giáo sư Mario Moura của Trường đại học liên bang Paraiba, Brazil, nói rằng để xử lý vấn đề suy thoái đa dạng sinh học, một trong những việc chúng ta cần làm là tạo ra một mô hình ngoại suy nơi ở của những loài động vật có xương sống trên cạn có thể đang tồn tại mà chúng ta chưa phát hiện ra. Việc này có thể làm được dựa vào các yếu tố sinh học, môi trường, xã hội học kết hợp với thông tin về hơn 32.000 loài động vật có xương sống trên cạn mà các nhà sinh vật học đã biết đến.
Cơ hội để các loài sinh vật này được phát hiện và biết đến là không đồng đều. Những loài động vật lớn có phạm vi địa lý rộng có thể không còn nhiều họ hàng mà chúng ta chưa phát hiện ra. Ngược lại, những loài vật nhỏ sống trong các khe, hẻm khó tiếp cận mới là những loài có khả năng chưa được phân loại trên bản đồ cây đời.
Theo mô hình mà các nhà nghiên cứu lập ra, mặc dù chắc chắn có nhiều điểm không chính xác do bản chất của việc ước tính, lưỡng cư và bò sát là những loài chưa được biết đến nhiều nhất trong số động vật có xương sống trên cạn.
Brazil, Indonesia, Madagascar và Colombia là những nơi được cho là còn nhiều loài động vật chưa được biết đến nhất, có thể là chiếm 1/4 số lượng các loài dự kiến sẽ được phát hiện ra, trong đó riêng những khu rừng lá rộng nhiệt đới ẩm ướt có thể chiếm đến ½ số lượng các loài chưa được biết đến.
Chúng ta chỉ có thể tìm ra bất cứ loài nào trong tương lai nếu chúng ta đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm, và không chỉ có các loài động vật có xương sống, mà cả các loài thực vật, sinh vật biển và động vật không xương sống sẽ là những đối tượng tìm kiếm tiếp theo của các nhà nghiên cứu.
Họ cho biết cái gọi là đợt tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 đã bắt đầu xảy ra, và chúng ta sẽ không thể giúp đỡ gì cho những loài vật này nếu chúng chết trước khi chúng ta tìm ra.
Sau nhiều thế kỷ nỗ lực của các nhà thám hiểm và phân loại đa dạng sinh học, danh mục sự sống vẫn còn quá nhiều trang để trống. Mở rộng cách tiếp cận như hiện nay cho các đơn vị phân loại khác sẽ có thể củng cố cho các sáng kiến nghiên cứu phân loại học, giúp đẩy nhanh tốc độ khám phá ra các loài trước khi chúng biến mất vĩnh viễn do sự thờ ơ.