53 thiên thể được lựa chọn để khảo sát là 53 hành tinh đá cùng loại với Trái đất, thuộc về những "Hệ Mặt trời" khác cùng trú ngụ trong thiên hà Milky Way với chúng ta.
Nhóm các nhà thiên văn Mỹ từ Trung tâm Hàng không vũ trụ Goddard của NASA, Việt Khoa học Hành tinh và Đại học Idaho đã tính toán tốc độ gia nhiệt bên trong các hành tinh và tìm các bằng chứng về hoạt động núi lửa. Đáng mừng, tất cả chúng đều có khả năng sở hữu núi lửa còn hoạt động – một phần của thứ gọi là "kiến tạo mảng".
Ảnh đồ họa mô tả về một hành tinh thủy cung có thể có sự sống - (ảnh: SCI-NEWS).
Đáng kinh ngạc hơn, 26% trong số các ngoại hành tinh này là các thế giới đại dương, theo dạng "hành tinh thủy cung" giống các mặt trăng băng giá trong Hệ Mặt trời.
Ở các "hành tinh thủy cung này", đại dương có thể không được nhìn thấy trên bề mặt như Trái đất. Nhưng dưới lớp băng bên ngoài là một thế giới nước sống động và có thể có các điều kiện phát sinh sự sống giống như mặt trăng Enceladus của Sao Thổ hay Europa của Sao Mộc, 2 trong số các mục tiêu được NASA chăm sóc những năm gần đây nhằm tìm kiếm sự sống.
Theo tiến sĩ Lynnae Quick từ Trung tâm Hàng không vũ trụ Goddard, nếu Europa và Enceladus có thể ở được, thì các phiên bản của chúng ở các hệ sao khác cũng vậy. Các luồng hơi nước phun trào từ bên dưới vỏ băng của các hành tinh dạng này ra ngoài không gian cho thấy bên dưới là một đại dương với năng lượng thúc đẩy các luồng nước – 2 yêu cầu chính để phát sinh cuộc sống đại dương, giống như Trái đất sơ khai.
Các hoạt động kiến tạo mảng cũng được chứng minh từ lâu là một trong những yếu tố giúp sự sống được phát sinh và duy trì trên Trái đất. Không loại trừ ở một số thiên thể, ví dụ như mặt trăng Io của sao Mộc, hoạt động núi lửa quá dữ dội đã biến nó thành "địa ngục". Nhưng hoạt động núi lửa và các quá trình kiến tạo mảng khác vừa đủ như ở Trái đất sẽ duy trì sự giải phóng khí để bầu khí quyền được ổn định, đồng thời giúp hành tinh đó luôn ẩm ướt.
Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục truy tìm "chữ ký sinh học" trên các hành tinh nói trên.
Nghiên cứu vừa công bố trên Publications of the Astronomical Society of the Pacific.